Trang chủNội khoa

Ngộ độc Rotundin

Phác đồ chẩn đoán và điều trị Viêm gan virut B mạn tính
Các con đường tín hiệu và điều trị cơn bão cytokine trong COVID-19
How to keep pets clean
Cấp cứu tim mạch : Tăng huyết áp cấp cứu
Chẩn đoán và điều trị bệnh còn ống động mạch

ĐẠI CƯƠNG

Rotundin được chiết xuất từ củ bình vôi với thành phần chính là L tetrahydropalmatin có tác dụng an thần, giảm đau, gây ngủ. Là thuốc có độ an toàn cao, tuy nhiên nếu uống quá liều có thể gây nhiều biến chứng.

Liều gây ngủ từ 30-90 mg, liều giảm đau 60-120 mg, tối đa có thể dùng tới 480 mg/ngày. Liều ngộ độc chưa có tài liệu nào đề cập đến là bao nhiêu. Tuy nhiên theo nghiên cứu của chúng tôi khi bệnh nhân uống 300 mg/24 giờ đã gây ra những biến đổi về điện tim.

Cơ chế tác dụng: ức chế hệ thống lưới và receptor dopamin ở não.

NGUYÊN NHÂN

Ngộ độc có thể xảy ra khi uống quá liều chủ yếu do tự tử hoặc do uống đồng thời nhiều loại biêt dược khác nhau để giảm đau, an thần.

CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán xác định

Hỏi bệnh: khai thác thấy bệnh nhân có uống rotundin

Triệu chứng lâm sàng

Thần kinh: ức chế thần kinh trung ương, một số ít bệnh nhân kích thích, giảm ý thức, nặng dẫn đến hôn mê.

Hô hấp: ức chế hô hấp, thở yếu, viêm phổi do sặc.

Tim mạch: có thể gặp nhịp chậm. xoang, hoặc nhanh xoang, block nhĩ thất độ I, tụt huyết áp. Trên điện tâm đồ thấy hầu hết bệnh nhân đều có các bất thường, thường gặp nhất là ST chênh lên ở một hay nhiều chuyển đạo trước tim, T âm hoặc 2 pha, QTc kéo dài.

Điện tim: ghi điện tim khi vào viện và  ra viện, nếu  có bất thường về điện tim cần theo dõi điện tim mỗi 6-12 giờ.

Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, có thể gây viêm gan nhưng chủ yếu là gặp ở bệnh nhân điều trị kéo dài.

Xét nghiệm

Độc chất: định tính tìm rotundin trong dịch dạ dày, nước tiểu. Định lượng rotundin trong máu, nước tiểu  bằng sắc kí lỏng cao áp (HPLC) hoặc sắc ký khí khối phổ (GC-MS).

Xét nghiệm thường qui: CTM, ure, ĐGĐ, creatinin, glucose, AST,ALT

Chẩn đoán phân biệt

Với các loại thuốc ngủ và an thần khác: benzodiazepin (seduxen), gardenal: xét nghiệm độc chất

Phân biệt với hôn mê do các nguyên nhân khác như hạ, tăng đường huyết; hạ natri máu; tai biến mạch não.

ĐIỀU TRỊ

Tuân thủ các bước hồi sức cấp cứu, ổn định chức năng sống cho bệnh nhân nếu bệnh nhân trong tình trạng nặng.

Không có thuốc giải độc đặc hiệu.

Hạn chế hấp thu:

Gây nôn nếu đến sớm, bệnh nhân tỉnh hoàn toàn

Nếu đã có rối loạn ý thức: rửa dạ dày sau khi đặt NKQ  có bóng chèn, với lượng nước rửa tối đa từ 3-5 lít.

Antipois Bmai: 1-2 típ uống hoặc bơm qua ống thông dạ dày sau rửa dạ dày. Nếu không có dùng than hoạt 1g/kg, uống một lần kèm sorbitol 1- 2 g/kg .

Hồi sức:

Bảo đảm hô hấp: bệnh nhân có rối loạn ý thức: đặt bệnh nhân nằm tư thế nghiêng an toàn, tránh tụt lưỡi, hút đờm rãi, thở ô xy nếu cần.

Nếu có hôn mê, suy hô hấp: tiến hành đặt NKQ, thở máy.

Truyền dịch: tăng cường thải trừ chất độc, dùng natriclorua 0,9%; glucose 5%.

Nuôi dưỡng, chăm sóc, phòng chống loét.

TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG

Ngộ độc rotundin thường nhẹ, tiên lượng tốt

Tuy nhiên cần thận trọng với biến chứng viêm phổi do sặc, suy hô hấp, với những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, bệnh mạch vành sẽ làm tăng mức độ nguy hiểm của các biểu hiện bất thường trên điện tâm đồ

PHÒNG TRÁNH NGỘ ĐỘC

Mặc dù là thuốc không cần kê đơn nhưng người dân cũng không nên tự dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sỹ vì có thể dùng nhiều loại biệt dược khác nhau gây ngộ độc

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bế Hồng Thu (2004),„‟Nghiên cứu triệu chứng lâm sàng và những biến đổi về điện tâm đồ ở bệnh nhân ngộ độc cấp rotundin‟‟ Tạp chí Y dược học quân sự, 29 (5), Học viện Quân Y, tr. 49 – 53.

Feldhaus KM, Horowitz RS, Dart RC et al (1993), “Life-threatening toxicity from tetrahydropalmatine (TPH) in an herbal medicine product”, Vet Human Toxicol, 35, P. 329.

Horowitz RS, Dart RC, Hurbut K et al (1994), “Acute hepatitis associated with a chinese herbal product, Jin Bu Huan”, North American Congress of Clinical Toxicology.

POISINDEX®           Managements          (2010),            “Tetrahydropalmatine”, MICROMEDEX“ 1.0 (Healthcare Series), Thomson Reuters.

Oliver LH, Neal Al et al (1998), “Herbal preparations”, Goldfrank’s Toxicologic emergencies, 6th edition, Appleton & Lange, P. 1222-1241.

BÌNH LUẬN

WORDPRESS: 0