PT là xét nghiệm cơ bản để theo dõi các chất kháng vitamin K đường uống như warfarin, phenidione (xem phần INR)
PT có thể xem như một test sàng lọc kháng đông lupus (LA – Lupus anticoagulants) (xem phần Test ức chế thromboplastin của mô). Tuy nhiên, nhìn chung PT tương đối không nhạy với LA vì nồng độ cao PL trong xét nghiệm sẽ trung hòa kháng thể kháng PL.
PT là nền tảng cho phương pháp xét nghiệm 1 giai đoạn, được dùng để xác định các yếu tố VII, V, X, II. PT tương đối không nhạy với suy giảm nhẹ các yếu tố.
Một số biến thể của FVII (FVII Padua, FVII Yamomoto) có thể đưa ra các giá trị FVII khác nhau, phụ thuộc vào nguồn cung cấp TF (xem phần xét nghiệm FVII)
Một PT bình thường không loại trừ được một bất thường đông máu đáng kể, vì PT bình thường trong cả hemophilia A, B nặng hoặc suy giảm FXI nặng.
Mối quan hệ giữa PT và suy giảm yếu tố là không tuyến tính, nhưng nó sẽ kéo dài theo hàm mũ ở nồng độ yếu tố thấp hơn.
PT ngắn lại được thấy ở nhiều bệnh nhân sử dụng rVIIa (NovoSeven)
Trong lịch sử, PT cũng được thực hiện bằng cách sử dụng nọc độc rắn Russel viper pha loãng (dRVV – tham khảo thêm ở phần xét nghiệm kháng đông lupus) thay cho nguồn TF từ não. Một RVV-PT bình thường nhưng “Brain” PT kéo dài, chỉ ra suy giảm yếu tố VII.
PT sẽ kéo dài với các thuốc ức chế trực tiếp Xa và IIa đường uống mới.
Chỉ số prothrombin (PI – Prothrombin Index) được tính từ PT chứng/PT bệnh nhân x 100.
Phương pháp Owren để đo PT đã được pha loãng trước khi ước tính, thể tích mẫu trong phản ứng hỗn hợp cuối cùng là 5%.
GIỚI THIỆU
PT được giới thiệu bởi Quick năm 1935 và thường được gọi là “thời gian Prothrombin của
Quick”. PT đã được phát triển để đo Prothrombin (yếu tố II) và do đó trở thành tên gọi cho test. Tuy nhiên, sau này rõ ràng nó nhạy với bất thường các yếu tố II, V, VII, X và Fibrinogen.
PT khác với APTT, nó đo hoạt tính con đường đông máu ngoại sinh và con đường chung. Việc phân chia dòng thác đông máu thành ngoại sinh, nội sinh, và con đường chung là cổ điển và ít có giá trị trong in vivo, tuy nhiên nó vẫn hữu ích khi diễn giải các kết quả xét nghiệm ở LABO.
PT là test 1 giai đoạn (One-stage) dựa trên thời gian cần cho cục fibrin tạo thành sau khi thêm yếu tố mô TF (trước đây gọi là tissue thromboplastin), phospholiplid, calcium để phục hồi calci, huyết tương nghèo tiểu cầu.
Thuật ngữ Thromboplastin có nguồn gốc dùng để mô tả một cơ chất trong huyết tương giúp chuyển prothrombin thành thrombin. Trong quá khứ, thromboplastin được chiết xuất từ não hoặc những cơ quan khác và những bộ phận này chứa số lượng lớn yếu tố mô TF và phospholipid (PL). TF có tính đặc hiệu loài, hầu hết LABO hiện nay sử dụng TF người tái tổ hợp với ISI gần 1 và tách khỏi nguồn cung chung với PL. Thromboplastin động vật được chiết xuất từ não thỏ.
TF trong lịch sử được xem là yếu tố III khi danh pháp protein đông máu tạo ra.
NGUYÊN LÝ
PT đo hoạt tính đông máu của con đường ngoại sinh và con đường chung, vì vậy nó phụ thuộc vào hoạt tính chức năng của các yếu tố VII, X, V, II và Fibrinogen. Sơ đồ sau cho thấy dòng thác đông máu và các yếu tố ảnh hưởng lên PT.
PHƯƠNG PHÁP
Huyết tương nghèo tiểu cầu (PPP) được trộn với TF (có chứa phospholipid) ở 37 độ C và cho dư lượng calcium chloride (25mM) vào để khởi động quá trình đông máu. Trong kỹ thuật làm bằng tay, khi calcium được đưa vào, một đồng hồ bấm giây được bấm và dừng khi cục máu đông tạo thành. Thời gian PT được tính từ khi cho calcium vào đến khi tạo thành cục đông fibrin (fibrin clot). Trong các hệ thống tự động, sự tạo thành cục đông được xác định một cách tự động nhưng nguyên lý vẫn như vậy.
Thuốc thử | Giải thích |
PPP | Xem phần “Những biến đổi tiền phân tích (Pre-analytical variables) |
TF (chứa phospholipid) | TF gắn với FVII và khởi động quá trình đông máu. Phospholipid ngoại sinh được dùng để thay thế phospholipid tiểu cầu. |
Calcium | Phục hồi calci. |
PHÂN TÍCH KẾT QUẢ
PT thường được thực hiện cùng với một loạt các xét nghiệm khác như APTT và có thể bao gồm TT và Fibrinogen.
Bất thường | Phân tích |
PT kéo dài đơn độc | Giảm yếu tố VII. |
PT kéo dài cùng với các bất thường đông máu khác | Suy giảm vitamin K
Các chất đối kháng vitamin K (như warfarin, phenidione, rodenticides….) Bệnh lý gan Kém hấp thu (dẫn đến suy giảm vitamin K) Nồng độ cao của heparin không phân đoạn Những chất ức chế thrombin trực tiếp như lepirudin, argatroban Bệnh lý mất fibrinogen máu hoặc rối loạn chức năng fibrinogen Rối loạn đông máu do pha loãng (như truyền máu khối lượng lớn) Suy giảm nhiều yếu tố đông máu (như bệnh lý suy giảm FV+VIII) Bất thường chu trình vitamin K (như những đột biến trong gene VKORC1) Bất thường NST (mất gene F7 và F10 định vị trên nhánh dài NST số 13 do mất đoạn, sẽ gây suy giảm yếu tố FVII và FX) |
PT ngắn lại | Sau điều trị rVIIa |
KHOẢNG THAM CHIẾU
Khoảng tham chiếu phụ thuộc vào những vấn đề sau:
Nguồn yếu tố mô TF (người, thỏ,…)
Công nghệ thực hiện (bằng tay, máy tự động)
Phương pháp xác định điểm cuối (quang học, cơ học)
Mỗi LABO nên thành lập một khoảng tham chiếu riêng, tuy nhiên nhìn chung giả trị PT bình thường rơi vào 13-15 giây.
ĐỀ NGHỊ XÉT NGHIỆM NÀO TIẾP?
Trong trường hợp PT kéo dài đơn độc, các xét nghiệm sàng lọc còn lại bình thường (APTT, TT, Fib), test hợp lý nhất theo suy luận được đề nghị là xét nghiệm yếu tố VII.
Suy giảm FVII là hiếm và thường gặp bối cảnh PT kéo dài cùng với các bất thường sàng lọc khác như APTT. Bảng ở trên đã cho thấy các khả năng, từ đó định hướng tiếp cho xét nghiệm. Tiền sử dùng thuốc và thăm khám lâm sàng là tối quan trọng.
Nhớ rằng, Warfarin và những chất kháng vitamin K đường uống khác làm kéo dài PT đáng kể nhưng có thể chỉ kéo dài APTT một vài giây (trừ trường hợp quá liều).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Girolami, A., et al., Factor VII Padua 2: another factor VII abnormality with defective ox brain thromboplastin activation and a complex hereditary pattern. Blood, 1979. 54(1): p. 46-53.
James, H.L., et al., The dysfunction of coagulation factor VIIPadua results from substitution of arginine-304 by glutamine. Biochim Biophys Acta, 1993. 1172(3): p. 301-5.
Marchetti, G., et al., Detection of two missense mutations and characterization of a repeat polymorphism in the factor VII gene (F7). Hum Genet, 1992. 89(5): p. 497-502.
Takamiya, O., et al., Factor VII activity and antigen in a patient with abnormal factor VII. Clin Lab Haematol, 1988. 10(2): p. 159-65.
Quick AJ. The Thromboplastin Reagent for the Determination of Prothrombin. Science. 1940;92(2379):113-4.
BÌNH LUẬN