ĐỊNH NGHĨA:
Viêm màng não (VMN) lao hay thường được gọi là “lao màng não” là một thể bệnh lao hậu tiên phát (trớc đây gọi “lao thứ phát”) do trực khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây ra. Biểu hiện lâm sàng là hội chứng nhiễm độc lao kèm theo hội chứng màng não và hay có tổn thương vùng nền não. Bệnh thường diễn biến từ từ tăng dần do vậy viêm màng não do lao được xếp vào viêm màng não mạn tính
Ngày nay, nhiều kỹ thuật y học hiện đại nh các kỹ thuật ELISA, PCR, CT-scaner… đã được nghiên cứu làm cho chẩn đoán bệnh VMN do lao đợc chính xác hơn.
DỊCH TỄ HỌC
Các đặc điểm dịch tễ học VMN lao giống như đặc điểm bệnh lao nói chung.
Mầm bệnh
Trực khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) do Robert Koch xác định lần đầu năm 1882. Do vậy, trực khuẩn lao còn được gọi là BK (Bacille de Koch). Đây là vi khuẩn có cấu trúc tương đối phức tạp và hoàn hảo. Trực khuẩn lao khó bắt màu bằng các thuốc nhuộm thông thường mà phải sử dụng phương pháp nhuộm Ziehl – Neelsen. Trên tiêu bản nhuộm Ziehl – Neelsen, trực khuẩn không bị cồn và axit làm mất màu đỏ của fucsin, nên được gọi là “trực khuẩn kháng cồn, kháng toan”.
Trực khuẩn lao là vi khuẩn ái khí, không mọc ở môi trường thông thường mà phải nuôi cấy ở môi trường giầu chất dinh dưỡng (môi trường Lošwenstein). Vi khuẩn phát triển chậm nên ứng dụng nuôi cấy vi khuẩn để chẩn đoán ít có ý nghĩa. Trong điều kiện tự nhiên, BK có thể tồn tại 3-4 tháng. Trong tổ chức lao, BK có thể tồn tại dai dẳng trong nhiều năm và khi có điều kiện thuận lợi, nó lại phát triển.
Hiện nay đã có nhiều thông báo về tình trạng kháng thuốc chống lao của BK. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, từ năm 1999 đến 2002, có khoảng 10% các trường hợp lao đã kháng với một hoặc nhiều loại thuốc chống lao (đa kháng thuốc) và gây nên khó khăn trong điều trị lao.
Nguồn bệnh
Giống như lao phổi, nguồn bệnh là bệnh nhân lao có BK trong đờm.
Đường lây
Giống như lao phổi, bệnh lây bằng đường hô hấp, theo hai cách:
Lây trực tiếp: BK ở trong nước bọt, mảnh đờm nhỏ của bệnh nhân lao bắn ra khi ho và người lành trực tiếp hít phải.
Lây gián tiếp: Hít phải BK mà bệnh nhân lao khạc ra trong bụi không khí.
Cơ thể cảm thụ
Mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh, nhưng thường ở trẻ em, thanh niên và trung niên tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn. Hiện nay, người lớn xu hướng mắc bệnh cao. Tỷ lệ mắc VMN lao ở nước ta xấp xỉ 0,75/100.000 dân.
LÂM SÀNG
Đặc điểm lâm sàng của VMN lao
Thời kỳ khởi phát: Khởi phát VMN lao thường đa dạng, tuy nhiên có đặc điểm chung sau:
Bệnh thường khởi phát từ từ, kéo dài vài tuần với các biểu hiện của hội chứng nhiễm độc lao như sốt nhẹ về chiều và tối, mệt mỏi, ăn ngủ kém, gầy sút cân, ra mồ hôi trộm, da xanh…
Kèm theo, có thể có các dấu hiệu về thần kinh, lúc đầu thường nhẹ, thoáng qua và tăng dần: nhức đầu, buồn nôn, mất ngủ, thay đổi tính tình, đôi khi bại nhẹ thoáng qua hoặc co giật cục bộ… Trẻ em thường hay bỏ ăn, bỏ chơi, hay buồn ngủ…
Một số trường hợp khởi phát đột ngột, không điển hình với các biểu hiện: Loạn thần, co giật, sốt cao liên tục, có hội chứng màng não rõ từ đầu… Tuy nhiên, những trường hợp này thường là do không được theo dõi kỹ từ đầu, khi phát hiện ra bệnh đã ở giai đoạn nặng.
Thời kỳ toàn phát
Hội chứng nhiễm khuẩn – nhiễm độc: Biểu hiện sốt thường đa dạng, có thể sốt nhẹ về chiều hoặc là sốt cao liên tục, sốt dao động… kèm theo các biểu hiện nhiễm độc lao rõ và cơ thể gầy yếu, suy kiệt nhanh.
Hội chứng màng não: Xuất hiện từ từ, ngày một rõ và đầy đủ hơn. Nhức đầu âm ỉ thường xuyên, đôi khi nhức đầu dữ dội. Có triệu chứng tăng kích thích, sợ ánh sáng, tăng trương lực cơ… Khám thấy dấu hiệu màng não (+).
Các triệu chứng tổn thương thần kinh khu trú: hay gặp nhất là hội chứng nền, biểu hiện bằng các triệu chứng tổn thương các dây thần kinh sọ não vùng nền não, nhất là các dây II, III, IV, VI, VII, VIII…. Nặng hơn có thể thấy tổn thương các dây IX, X, XI… hoặc liệt nửa người, liệt tứ chi…
Nếu không được điều trị kịp thời, sẽ có rối loạn ý thức, bán hôn mê, hôn mê và tử vong.
Những thay đổi về dịch não tuỷ là rất có ý nghĩa chẩn đoán: Dịch não tuỷ điển hình mầu vàng chanh, sánh, tế bào vài trăm (thường 200 – 500) tế bào /ml, lympho chiếm ưu thế (70 – 90%). Protein tăng 2-3 g/l, đường và muối giảm vừa phải. Một số trường hợp nặng, điều trị muộn… khi để lắng dịch não tuỷ sau 24 – 48 giờ, sẽ có hình váng dù. Cấy dịch não tuỷ có thể thấy trực khuẩn lao…
Phân loại thể bệnh theo lâm sàng
VMN lao thể nền não: Là thể hay gặp nhất 40 -70%, có biểu hiện VMN lao và triệu chứng tổn thương các dây thần kinh sọ não vùng nền não.
VMN – não: 15 -25%, biểu hiện VMN và tổn thương não do lao.
VMN lao đơn thuần: 10% thường là các trường hợp được chẩn đoán sớm, có thay đổi dịch não tuỷ theo hớng VMN lao.
VMN – tuỷ: Ít gặp.
Thể giống nhiễm khuẩn huyết: Thường gặp ở ngời già, sức đề kháng kém.
Thể giả u…
Chẩn đoán
Chẩn đoán quyết định
Lâm sàng
Khởi phát từ từ, có hội chứng nhiễm độc lao.
Hội chứng màng não: (+)
Thường có biểu hiện tổn thương dây thần kinh sọ não vùng nền não (dây II, III, IV, VI, VII…).
Thường có tiền sử hoặc đang mắc lao.
Xét nghiệm
Xét nghiệm thông thường: Bạch cầu máu ngoại vi thường không tăng, tỷ lệ Lympho bào tăng, Tốc độ máu lắng thường tăng, Mantoux (+)…
Dịch não tuỷ: Rất có ý nghĩa trong chẩn đoán (như mô tả ở trên, 5.1.2.).
Soi đáy mắt: Đôi khi thấy được củ lao (củ Bouchut: là những hạt màu trắng, kích thước trung bình bằng 1/4 đường kính gai thị, có thể thấy 1 hoặc vài củ), thường thấy khi VMN lao kèm theo lao kê. Đây là những củ lao ở vùng gai thị, tuy nhiên có thể chưa có lao màng não kèm theo. Sự có mặt của củ Bouchut sẽ rất có giá trị chẩn đoán VMN – não do lao nếu có kèm theo thay đổi dịch não tuỷ có tăng lympho bào.
Chụp cắt lớp vi tính: Đôi khi thấy được củ lao ở não (khi cắt lớp mỏng).
Cấy tìm trực khuẩn lao trong dịch não tuỷ: Có giá trị chẩn đoán quyết định khi (+). Tuy nhiên tỷ lệ nuôi cấy trực khuẩn lao trong dịch não tuỷ thường thấp.
Tìm kháng thể kháng lao trong huyết thanh và trong dịch não tuỷ: Ít giá trị trong chẩn đoán.
Tìm kháng nguyên lao trong huyết thanh và trong dịch não tuỷ: Rất có giá trị chẩn đoán nếu thấy kháng nguyên lao trong dịch não tuỷ.
Kỹ thuật PCR phát hiện ADN trực khuẩn lao trong dịch não tuỷ: Rất có giá trị.
Các kỹ thuật kinh điển còn giới thiệu nhiều xét nghiệm không đặc hiệu, nhưng có giá trị giúp gợi ý chẩn đoán (như nghiệm pháp Bromua, v.v…). Hiện nay các kỹ thuật này ít được sử dụng.
Tiên lượng, tiến triển và di chứng
Tiên lượng: thường phụ thuộc vào các yếu tố:
Tuổi: trẻ dưới 3 tuổi hoặc người già có tiên lượng nặng.
Ổ lao nguyên phát: Lao thâm nhiễm, thường nhẹ.
Lao kê, thường nặng.
Thời gian phát hiện và điều trị.
Các thể bệnh VMN – não, VMN – tuỷ, thể giả u… thường nặng.
Tiến triển
Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và trực khuẩn lao không kháng thuốc: Sau 2 – 4 tuần điều trị bệnh nhân hết sốt, sau 6 – 8 tuần hết hội chứng màng não, sau 2 – 4 tháng dịch não tuỷ mới trở lại bình thường.
Chẩn đoán, điều trị muộn hoặc do trực khuẩn lao kháng thuốc: Sốt tăng hơn, mạch không đều, suy hô hấp, tắc luư thông dịch não tuỷ, phù não, hôn mê và tử vong.
Di chứng:
VMN lao thường gây ra nhiều di chứng nặng:
Tổn thương thần kinh không hồi phục: Gây triệu chứng liệt khu trú, lác mắt, mù, bán manh…
Dày dính màng não, viêm não thất, tắc lưu thông dịch não tuỷ và não nước.
Rối loạn tâm thần, thiểu năng trí tuệ.
Rối loạn nội tiết và dinh dưỡng do tổn thương vùng dưới đồi, tuyến yên gây đái nhạt, béo bệu…
Các di chứng do tai biến điều trị thuốc chống lao kéo dài như điếc, rối loạn tiền đình…
ĐIỀU TRỊ:
Nguyên tắc điều trị
Điều trị sớm, tại bệnh viện.
Phối hợp kháng sinh chống lao liều cao ngay từ đầu, đủ liều, kéo dài, đủ phác đồ, theo dõi tác dụng phụ của thuốc.
Nâng cao sức đề kháng toàn thân, kết hợp theo dõi chống biến chứng, di chứng…
Điều trị thuốc kháng lao
Về nguyên tắc, điều trị như đối với lao nói chung, nhưng thường phải sử dụng các phác đồ mạnh (kết hợp 3 – 4 loại thuốc kháng lao).
Phác đồ 4 thuốc thờng là: Streptomyxin + rimifon + rifampyxin + pyrazinamid (hoặc ethambutol). Phác đồ 3 thuốc thờng là: Streptomyxin + rimifon + rifampyxin hoặc streptomyxin + rimifon + ethambutol…
Thời gian điều trị tấn công thông thường trung bình 2 – 4 tháng tại bệnh viện (cho đến khi dịch não tuỷ ổn định, gần trở về bình thường).
Liều lượng thuốc lao:
Rifampyxin: 10 mg/kg/24 giờ
Rimifon: 5 – 10 mg/kg/24 giờ
Pyrazinamid: 30 – 40 mg/kg/24 giờ
Streptomyxin: 15 mg/kg/24 giờ
Ethambutol: 15 – 25 mg/kg/24 giờ.
Thời gian điều trị duy trì (tại gia đình, đơn vị): Giống như các phác đồ chống lao phổi, nhưng thường phải kéo dài thêm 2 tháng nữa.
Vấn đề đưa thuốc kháng lao vào dịch não tuỷ: Hiện nay có nhiều loại thuốc chống lao ngấm tốt vào dịch não tuỷ. Do vậy, nói chung không có chỉ định đưa thuốc kháng lao vào dịch não tuỷ. Tuy nhiên, những trường hợp nặng, điều trị muộn, đã có biến chứng dày dính màng não… có thể đưa liều nhỏ (người lớn: 0,05 – 0,07 g/1lần) streptomyxin vào dịch não tuỷ.
Điều trị cơ chế triệu chứng
Corticoid liệu pháp: Dùng kết hợp thuốc kháng lao trong những trờng hợp nặng, điều trị muộn, đã có biến chứng hoặc dịch não tuỷ có Protein cao > 2 g/lit. Thường dùng loại uống (Cortancyl), liều trung bình (liều khởi đầu với người lớn thường là 30-45 mg/24 giờ trong ngày đầu), giảm dần ( thường 7 – 14 ngày giảm đi 5 mg) và kéo dài (thời gian điều trị trung bình 1,5 – 2 tháng). Tuỳ theo diễn biến của dịch não tuỷ mà giảm liều hoặc duy trì liều Corticoid. Khi liều Cortancyl còn 5 – 15 mg thì kéo dài 10 -15 ngày thì ngừng.
Chống phù não (như đối với VMN mủ)
Tăng cường dinh dưỡng, truyền đạm, máu, vitamin…
Ngăn ngừa và theo dõi tác dụng phụ của thuốc chóng lao: Khi sử dụng các thuốc chống lao thường cho thêm các thuốc bảo vệ tế bào gan (fortec, eganin…), vitamin B6 (cho liều bằng 1/10 liều rimifon), thường xuyên theo dõi xét nghiệm chức năng gan, thận và phản ứng dị ứng với thuốc lao.
Vệ sinh cá nhân, chống loét…
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Bệnh truyền nhiễm – Đại học y dược TP.HCM-1997
Bệnh học truyền nhiễm và nhiệt đới-HVQY-2008
Principles of internal medicine –Harrison’s- 16th edition-2005
Tropical Medicine and Emerging infectious Diseases- Hunter’s Eighth Edition- 2000
Principles and practice of Infectious Diseases-Mandell, Douglas,and Bennett’s 15th Edition – A Harcourt Health Sciences Company 2005
Thông tin cập nhật về bệnh cúm gà và viêm phổi do virut – WHO – 2005 đến 2010.
Hướng dẫn chẩn đoán, xử trí và phòng lây nhiễm viêm phổi do virut – Cục Quân y – tháng 11/2005
BÌNH LUẬN