HomeAn toàn người bệnh

An toàn người bệnh : hiện trạng và giải pháp

Tổng quan về an toàn người bệnh
Phòng ngừa sai sót trong sử dụng thuốc
Phòng ngừa sự cố y khoa trong môi trường chăm sóc và sử dụng trang thiết bị vật tư y tế
Phòng ngừa sự cố y khoa trong việc xác định người bệnh và cải tiến thông tin trong nhóm chăm sóc
An toàn người bệnh trong phòng mổ

SỰ CẦN THIẾT

Bệnh viện là nơi tập trung người bệnh để điều trị, nơi các thầy thuốc đưa ra các chẩn đoán (cho phép sai số), các quyết định phương pháp điều trị; nơi diễn ra các phẫu thuật, thủ thuật xâm lấn; nơi người bệnh sử dụng các dược chất, hóa chất, vác xin để điều trị; nơi có nhiều trẻ được sinh ra và cũng là nơi chứng kiến nhiều người bệnh qua đời. Hơn thế nữa, bệnh viện là nơi các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc do tình trạng quá tải và áp lực về tâm lí, vì vậy, sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh và trong nhiều trường hợp ngoài tầm kiểm soát. Có thể khẳng định rằng ở bất cứ công đoạn nào của mọi quy trình khám bệnh, chữa bệnh đều chứa đựng các nguy cơ tiềm tàng cho người bệnh. Khi sự cố y khoa không mong muốn xảy ra, cả người bệnh và thầy thuốc đều là nạn nhân, đặc biệt đối với người bệnh phải gánh chịu thêm hậu quả của các sự cố y khoa không mong muốn làm ảnh hưởng tới sức khỏe hoặc bị khuyết tật tạm thời hay vĩnh viễn, thậm chí chết người, chẳng khác gì tai nạn chồng lên tai nạn.

Mặc dù, người bệnh rất khó chấp nhận những sai sót và sự cố y khoa, song bác sĩ cũng là con người và có thể phạm sai sót. Bệnh do thầy thuốc gây nên “Iatrogenesis” là vấn đề đã được đề cập từ rất lâu trong Y văn Thế giới, cũng như trong Từ điển Y học của Việt Nam. Hiện nay có nhiều thuật ngữ được các nhà nghiên cứu y học sử dụng để mô tả vấn đề nói trên một cách bản chất hơn như: “nhầm lẫn y khoa – medical mistakes”, sai sót y khoa “medical error” hay “sự cố y khoa không mong muốn “medical adverse events” v,v.. Cho dù khác nhau về thuật ngữ nhưng đều hướng tới việc mô tả các sự cố y khoa không mong muốn và các sai sót chuyên môn có thể xảy ra trong quá trình điều trị và chăm sóc cho người bệnh. Theo các nhà nghiên cứu y học, lĩnh vực y khoa là lĩnh vực có nhiều rủi ro nhất đối với khách hàng. Khi vào một cơ sở y tế để khám chữa bệnh, cái vốn quý giá nhất của người bệnh là sức khỏe được ủy thác cho các thầy thuốc, đổi lại người bệnh luôn mong đợi và kỳ vọng được chăm sóc và điều trị một cách an toàn, và có chất lượng. Vì vậy, bảo đảm an toàn cho người bệnh là trách nhiệm của mọi cơ sở y tế, mọi người lãnh đạo bệnh viện và cũng là sứ mệnh của mọi thầy thuốc, mọi nhân viên y tế.

An toàn người bệnh là một chương trình có sự khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, bởi vì nguy cơ của các sự cố y khoa luôn thường trực và có thể xảy ra bất cứ khi nào. Các bệnh viện cần thiết phải triển khai chương trình quản lý an toàn người bệnh để thực hiện nguyên tắc hàng đầu trong thực hành y khoa là “ trước tiên không gây nguy hại cho người bệnh – first do no harm for patient”.

CƠ SỞ PHÁP LÝ VỀ AN TOÀN NGƯỜI BỆNH

Thành lập Hội đồng giải quyết sai sót chuyên môn

Theo Điều 74. Luật Khám bệnh, chữa bệnh: Khi xảy ra tai biến đối với người bệnh và có tranh chấp thì phải thành lập hội đồng chuyên môn của bệnh viện để xác định. Trường hợp các bên tranh chấp không nhất trí với kết luận của hội đồng chuyên môn thì có quyền đề nghị Bộ Y tế thành lập hội đồng chuyên môn1.

Thành phần của hội đồng chuyên môn theo Điều 75 gồm: Các chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên môn phù hợp, Luật gia hoặc luật sư. Hội đồng chuyên môn hoạt động theo nguyên tắc thảo luận tập thể, quyết định theo đa số và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận của mình.

Nhiệm vụ của Hội đồng: căn cứ vào các quy định tại Điều 73 của Luật này có trách nhiệm xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật.

Kết luận của hội đồng chuyên môn là cơ sở để giải quyết tranh chấp hoặc để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định giải quyết vụ việc; là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với người hành nghề. Kết luận của hội đồng chuyên môn do Bộ Y tế thành lập là kết luận cuối cùng về việc có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật.

Xác định sai sót chuyên môn    

Xác định có sai sót chuyên môn:

Khoản 1 Điều 73 Luật Khám bệnh chữa bệnh quy định người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được hội đồng chuyên môn xác định đã có một trong các hành vi sau đây:

Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh; – Vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp; – Xâm phạm quyền của người bệnh.

Xác định không có sai sót chuyên môn

Người hành nghề không có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được hội đồng chuyên môn xác định thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Đã thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng vẫn xảy ra tai biến

Trong trường hợp cấp cứu nhưng do thiếu phương tiện, thiết bị kỹ thuật, thiếu người hành nghề theo quy định của pháp luật mà không thể khắc phục được hoặc bệnh đó chưa có quy định chuyên môn; các trường hợp bất khả kháng khác dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh.

Trách nhiệm bồi thường khi có sai sót chuyên môn

Điều 76 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định như sau:

Doanh nghiệp bảo hiểm mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã mua bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa mua bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Luật này thì phải tự bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo quy định của pháp luật.

Ngoài việc bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật.

Trường hợp xảy ra tai biến trong khám bệnh Hội đồng chuyên môn xác định người hành nghề không có sai sót chuyên môn kỹ thuật thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề không phải bồi thường thiệt hại.

Tranh chấp về khám bệnh, chữa bệnh

Theo điều 80 Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì việc tranh chấp liên quan tới các đối tượng sau:

Người bệnh, người đại diện của người bệnh;

Người hành nghề;

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Việc giải quyết các tranh chấp được giải quyết như sau: 

Tự hòa giải

Khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

HIỆN TRẠNG VỀ SỰ CỐ Y KHOA

Phạm vi và tác động của các sự cố y khoa không mong muốn chưa được nghiên cứu và thống kê đầy đủ. Các nhà quản lý, các nhà lâm sàng còn e ngại trong việc nghiên cứu và chia sẻ thông tin về các sự cố y khoa. Vì vậy, bức tranh về các sự cố y khoa không mong muốn trong các cơ sở y tế của Việt Nam chưa đầy đủ do chưa có các quy định và hướng dẫn cụ thể về thống kê và báo cáo sự cố, sai sót chuyên môn tại các cơ sở y tế. Trong tài liệu này, tác giả sử dụng các thông tin từ các nghiên cứu và báo cáo quốc gia của một số nước để mô tả tình hình chung về sự cố y khoa không mong muốn.

Tần suất xảy ra sự cố y khoa

Theo kết quả nghiên cứu về tỷ lệ các sự cố y khoa không mong muốn của Harvard Medical Practice, Brennan TA và cộng sự đã hồi cứu ngẫu nhiên 30121 bệnh án thuộc 51 bệnh viện tại Bang New York đã báo cáo 3,7% người bệnh nhập viện gặp phải sự cố y khoa; 27,6% các sự cố y khoa do nhân viên y tế tắc trách, 13,6% sự cố dẫn đến tử vong, 2,6% sự cố y khoa dẫn đến tàn tật vĩnh viễn2. Cũng theo ước tính của Đại học Harvard, hàng năm ở Mỹ có tới 98000 người tử vong liên quan tới sự cố Y khoa không mong muốn.

Trong báo cáo nghiên cứu về chất lượng chăm sóc y tế của Úc, Wilson RM và cộng sự đã hồi cứu 14179 bệnh án tại Bang New South Wales và South Australia vào năm 1992 ở 28 bệnh viện đã báo cáo có 16,6% người bệnh gặp các sự cố y khoa không mong muốn, trong đó 13,7% sự cố dẫn đến người bệnh tàn tật vĩnh viễn và 4,9% dẫn đến người bệnh tử vong; Các nhà nghiên cứu cho rằng 51% các sự cố y khoa không mong muốn có thể phòng ngừa. Ngược lại, những sự cố không thể phòng ngừa gợi ý các biến chứng đó đã được dự đoán trước về khả năng xảy ra3.

Donchin et al đã sử dụng một người quan sát tại giường đối với các cán bộ lâm sàng tại khoa hồi sức tích cực tổng hợp của một bệnh viện đại học tại Israel đã phát hiện 554 sai sót trong thời gian 4 tháng, bình quân 1,7 sai sót / người bệnh/ngày4.

Cũng theo nghiên cứu của Harvard và của Úc có 8-9% sự cố y khoa không mong muốn đã xảy ra tại các phòng khám của các bác sĩ, 2-3% tại nhà và 1-2% tại các nhà điều dưỡng. Nghiên cứu tại Úc cho thấy khoảng ¼ các sự cố y khoa không mong muốn làm cho người bệnh bị tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong và các nhà nghiên cứu dự đoán khoảng 2/3 các sự cố y khoa không mong muốn có thể phòng ngừa.

Hậu quả của các sự cố y khoa không mong muốn

Ở Mỹ, những sự cố y khoa không mong muốn làm cho hơn 44000 nghìn người chết, thậm chí có thể lên tới 98000 người chết và 1 triệu người bị thương tổn2. Hậu quả của các sự cố y khoa không mong muốn làm cho người bệnh phải nằm viện kéo dài và tăng phí tổn điều trị. Tại bệnh viện ở Utah các sự cố y khoa không mong muốn đã để lại hậu quả cho 2,4% người bệnh nhập viện, tăng chi phí 2262 US$/người bệnh, và tăng thêm 1,9 ngày điều trị so với số liệu của nhóm chứng. Trong nghiên cứu của Harvard về sự cố không mong muốn do dùng thuốc, chi phí tăng $2595 /người bệnh và thời gian nằm viện kéo dài hơn 2,2 ngày/bệnh nhân. Ước tính chi phí cho các sự cố không mong muốn do dùng thuốc của một bệnh viện thực hành có qui mô 700 giường bệnh lên tới 5,6 triệu US$ hàng năm.

Ở Australia hàng năm: 470 000 NB nhập viện gặp sự cố y khoa, tăng 8% ngày điều trị (thêm 3.3 triệu ngày điều trị) do sự cố y khoa, 18000 tử vong, 17000 tàn tật vĩnh viễn và 280000 người bệnh mất khả năng tạm thời3.

Nguyên nhân các sự cố y khoa

Nhiễm khuẩn bệnh viện

Nhầm thuốc

Tác dụng không mong muốn của thuốc

Nhầm phẫu thuật (người bệnh,vị trí, phương pháp, sót dụng cụ trong vị trí phẫu thuật)

Chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng (sai, chậm)

Phương tiện dụng cụ không phù hợp, không đủ

Sao chép sai y lệnh, chữ viết xấu

Thủ tục hành chính rườm rà dẫn đến khám chữa bệnh không kịp thời.

Nhân viên y tế mới, tắc trách – Khác: ngã, bỏng, điện giật…

Trong nghiên cứu của Harvard và của Úc2,3: gần 50% các sự cố y khoa  không mong muốn liên quan đến người bệnh có phẫu thuật. Đối với các bệnh nhân không có phẫu thuật, các sự cố y khoa hay gặp nhất là chẩn đoán sai, chỉ định thuốc không đúng. Không có chuyên khoa nào có thể tránh khỏi được sự cố, sai sót y khoa. Sự cố xảy ra nhiều hơn ở những người làm lâm sàng thiếu kinh nghiệm và nơi triển khai các kỹ thuật mới. Những sai sót trong quá trình đọc kết quả X quang, kết quả cơ thể bệnh, kết quả xét nghiệm và sai sót trong xạ trị là những sự cố, sai sót có thể đe dọa và ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh. Lỗi do người đi học cũng khá phổ biến. Wuetal đã tiến hành một nghiên cứu về những sự cố y khoa nghiêm trọng nhất đối với các bác sĩ nội khoa tại ba khóa đào tạo, 45% người được hỏi tự khai báo đã để xảy ra ít nhất một sự cố, 31% dẫn đến người bệnh tử vong. Nghiên cứu của Lesar et al đã phát hiện sai sót do chỉ định thuốc xảy ra nhiều hơn ở các bác sĩ mới ra trường năm thứ nhất.

Các yếu tố nguy cơ

Người bệnh >65 tuổi nguy cơ cao hơn và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khi sự cố y khoa xảy ra so với những người bệnh trẻ tuổi.

Các phẫu thuật phức tạp, phẫu thuật mới triển khai lần đầu (các can thiệp tim mạch, mạch máu, phẫu thuật thần kinh…).

Những người bệnh nặng, người bệnh có kèm theo bệnh nền có các can thiệp xâm lấn có nguy cơ cao xảy ra sự cố y khoa.

Các bác sĩ làm kiêm nhiệm, không có đủ thời gian để nghiên cứu đưa ra quyết định về chẩn đoán

 

Thời gian nằm viện tỷ lệ thuận với các sự cố y khoa. Nghiên cứu của Andrews et al đã báo cáo sự cố y khoa do nằm viện tăng 6% đối với mỗi ngày nằm viện.  – Khoa hồi sức cấp cứu cũng là nơi nguy cơ người bệnh gặp sự cố cao. Theo báo cáo nghiên cứu các bệnh nhi được điều trị tại bệnh viện đại học British thì nguy cơ sai sót do thuốc tại khoa Hồi sức cấp cứu gấp 7 lần so với các khoa khác.

Sự cố y khoa và sai sót chuyên môn trong các cơ sở y tế của Việt Nam

Sự cố y khoa không mong muốn và sai sót chuyên môn kỹ thuật trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam chưa được nghiên cứu hệ thống, chưa có các số liệu để có một bức tranh đầy đủ về sai sót chuyên môn và sự cố y khoa. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đã phải đương đầu với các sự cố ở các mức độ và ảnh hưởng khác nhau, ảnh hưởng tới tính mạng và sức khỏe của người bệnh. Số trường hợp nêu trên báo chí là phần nổi của tảng băng chìm không rõ độ lớn và kích thước. Các sự cố y khoa không mong muốn được biết đến qua khiếu kiện của người bệnh hay gặp như: nhầm người bệnh trong phẫu thuật, nhầm vị trí phẫu thuật, nhầm thuốc, nhầm trẻ sơ sinh, đặc biệt nhiễm trùng hàng loạt sau phẫu thuật cũng đã từng xảy ra.

Sự cố y khoa và sai sót chuyên môn kỹ thuật đang là vấn đề mọi người hành nghề, mọi cơ sở y tế quan tâm. Một số đã phải bồi thường tài chính cho người bệnh và một số trường hợp đã đưa ra tòa để giải quyết.

CÁC GIẢI PHÁP KỸ THUẬT

Xác định chính xác tên người bệnh

Xác định một bệnh nhân chỉ mất một phút, nhưng có thể cứu cả một mạng người.

Nguyên tắc

Sử dụng ít nhất hai công cụ để nhận dạng bệnh nhân, nhưng cả hai đều không phải là số phòng và số giường của bệnh nhân.

Biện pháp

Dùng băng đeo trên cổ tay để nhận dạng người bệnh. Thông tin trên băng gồm: họ tên, địa chỉ, ngày sinh, cùng với số mã vạch.

Khi dán nhãn lên tuýp bệnh phẩm cần có sự hiện diện của bệnh nhân. Tên và thông tin về người bệnh trên các nhãn bệnh phẩm phải bảo đảm dán chặt lên lọ hoặc ống đựng bệnh phẩm trước, trong và sau khi làm xét nghiệm.

Khi chăm sóc bệnh nhân rối loạn hành vi: lúc đầu có thể đính kèm ảnh bệnh nhân trong bệnh án để nhân viên y tế nhận diện. Khi đã quen mặt người bệnh, có thể chấp nhận việc nhìn mặt để nhận dạng.

Xác nhận người bệnh hôn mê: người nhà người bệnh phải xác định nhân thân cho họ. Nếu một người bệnh hôn mê được đưa đến bệnh viện bởi Công an hoặc đơn vị dịch vụ cấp cứu và không có một chứng cứ nào về tên, tuổi để nhận diện phải đặt cho người bệnh một cái tên tạm thời và số hồ sơ. Những công cụ này sau đó có thể dùng để xác định bệnh nhân và để chắp nối với các công việc khác như dán nhãn xét nghiệm, y lệnh, v.v…Tiếp nhận một bệnh nhân hôn mê khó xác định nhân thân không phải là việc hiếm gặp, cần đưa vấn đề này vào quy định và buộc mọi người phải tuân thủ quy định một cách nhất quán.

Cải thiện thông tin giữa các nhân viên

Nguyên tắc 1

Phải làm rõ y lệnh miệng hoặc thông báo kết quả xét nghiệm bằng cách yêu cầu người nhận “đọc lại” đầy đủ y lệnh hoặc kêt quả xét nghiệm.

Biện pháp

Không khuyến khích y lệnh miệng. Tuy nhiên, ở hầu hết cơ sở y tế, xóa bỏ y lệnh miệng là điều không thể.

Người nhận y lệnh miệng phải viết ra và đọc lại đúng nguyên văn cho người bác sĩ đã ra y lệnh nghe. Sau đó, bác sĩ xác nhận bằng miệng rằng lệnh đó là chính xác. Người nhận y lệnh về thuốc cần phải đọc lại tên thuốc và liều lượng cho người ra y lệnh. Khi đọc đánh vần như sau “B trong quả bóng”, “ P trong phở”; đánh vần từng con số, ví dụ: “ 0,2g” phải được đọc là “ không – phẩy – hai – gam” để tránh nhầm lẫn. Thận trong với các loại thuốc đọc nghe giống nhau.

Nguyên tắc 2

Chuẩn hóa danh mục các từ rút gọn, từ viết tắt

Biện pháp

Danh mục từ rút gọn hoặc viết tắt cần có sự tham gia xây dựng và thống nhất của các bác sĩ và điều dưỡng viên, hộ sinh viên.

In danh mục từ viết tắt trên giấy bìa cứng màu sáng và treo ở nơi thuận tiện để nhắc nhở mọi người hoặc in danh mục từ viết tắt ngay ở góc dưới các tờ điều trị hoặc phiếu theo dõi.

Các Dược sĩ nhà thuốc không chấp nhận bất cứ một từ viết tắt nào không có trong danh mục từ viết tắt.

Tiến hành một cuộc khảo sát thử để kiểm tra kiến thức nhân viên về danh mục từ viết tắt.

Xúc tiến chính sách “ không dùng từ viết tắt của tháng ”.

Theo dõi sự tuân thủ của nhân viên với danh mục từ viết tắt.

Nguyên tắc 3

Khoa xét nghiệm phải trả kết quả xét nghiệm theo giờ quy định đối với từng loại xét nghiệm và nhân viên tiếp nhận kết quả xét nghiệm phải báo cáo kịp thời cho người có trách nhiệm. 

Biện pháp

Cơ sở y tế cần quy định cụ thể thời gian trả các kết quả xét nghiệm. Quy định người tiếp nhận, cách quản lí và báo cáo kết quả xét nghiệm

Tổ chức đánh giá việc bảo đảm đúng thời gian trong việc trả và báo cáo kết quả các xét nghiệm quan trọng.

Bảo đảm an toàn trong dùng thuốc

Nguyên tắc 1

Soát xét danh mục các loại thuốc “ trông giống nhau ” hoặc “ nghe giống nhau ” và có các động biện pháp ngăn ngừa sai sót dùng nhầm thuốc.

Biện pháp

Nhân viên của cơ sở y tế phải được thông tin đầy đủ về danh mục các  tên thuốc khi đọc nghe – giống nhau và trông – giống nhau

Khi trao đổi thông tin về các thuốc nói trên yêu cầu phải viết và đọc lại tên thuốc.

Ghi các lời nhắc nhở vào máy vi tính hoặc trên lọ thuốc để cảnh giác nhân viên y tế về khả năng nhầm lẫn tiềm ẩn.

Kiểm tra gói/nhãn thuốc theo chỉ định trước khi đưa thuốc cho người bệnh.

Nguyên tắc 2:

Kiểm soát các thuốc dạng dung dịch có nồng độ đậm đặc tại các khoa, đặc biệt ở những nơi có người bệnh rối loạn hành vi hoặc trẻ nhỏ.

Biện pháp

Tất cả các dung dịch có nồng độ đậm đặc (ví dụ: Kali clorua 5%) chỉ cung cấp với số lượng hạn chế ở các khoa và chịu sự kiểm tra giám sát của khoa Dược. Bệnh viện phải xây dựng một hạn mức cho phép về số lượng các thuốc trên tại khoa.

Phải kiểm soát việc sử dụng các dung dịch này và phải có biện pháp phòng ngừa thích hợp để tránh việc các dung dịch đậm đặc bị dùng nhầm với

 

những loại thuốc có bao bì giống với bao bì của dung dịch ( ví dụ: ống nước cất và dung dịch KCL 5%).

Phải có nhãn cảnh báo dễ nhìn, dễ thấy ở nơi để thuốc.

Xóa bỏ nhầm lẫn trong phẫu thuật

Các nguyên tắc sau đây được khuyến cáo để ngăn ngừa phẫu thuật sai vị trí, sai người bệnh đã được các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực chuyên môn trên toàn cầu khuyến cáo.

Nguyên tắc 1

Cơ sở y tế phải xây dựng các quy định nhằm loại bỏ việc phẫu thuật sai vị trí, sai phương pháp, sai bệnh nhân.

Biện pháp

Các quy định về cách xác định người bệnh trước khi gây mê, trước khi phẫu thuật, trước khi khâu vết mổ…

Các nhân viên y tế được thông tin về các quy định của cơ sở y tế và nghiêm túc thực hiện.

Nguyên tắc 2

Thực hiện quy trình xác định chính xác người bệnh trước phẫu thuật

Biện pháp

Bảo đảm bệnh án và tài liệu liên quan phải sẵn sàng trước khi bắt đầu phẫu thuật và nhân viên kíp mổ đọc và xác định lại vị trí, phương pháp phẫu thuật và tên người bệnh.

Thực hiện việc giao – nhận người bệnh trước mổ.

Nguyên tắc 3

Đánh dấu vị trí phẫu thuật để xác định vị trí cần rạch và cấy ghép

Biện pháp

Đánh dấu vị trí phẫu thuật phải làm rõ việc phân biệt bên phải / bên trái, các cấu trúc giải phẫu nhiều thành phần ( ngón tay, ngón chân, đốt xương sống..). Nhầm lẫn thường xảy ra đối với các phẫu thuật viên và người bệnh có các phẫu thuật chấn thương chỉnh hình.

Quy định đánh dấu phải nhất quán trong mỗi cơ sở y tế. Việc sử dụng dấu “X” hiện nay ít áp dụng vì ý nghĩa mập mờ,  “X’ có thể hiểu là phẫu thuật ở đây hay không phẫu thuật ở đây. Một vạch chỉ vị trí phẫu thuật hoặc chữ ‘YES” là những cách được chấp nhận để đánh dấu vị trí phẫu thuật.

Nếu vị trí phẫu thuật liên quan đến X quang, kiểm tra xem phim có trong phòng mổ hay chưa. Kiểm tra xem tên của bệnh nhân có giống với tên trên phim không và có giống với tên trên bìa kẹp hồ sơ không. – Nếu có một vết thương ở vị trí  phẫu thuật, không cần phải đánh dấu. Tuy nhiên, nếu có nhiều vết thương hoặc vết xước và chỉ có vài vị trí sẽ được phẫu thuật, cần đánh dấu các vị trí này.

Giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện

Nguyên tắc 1

Tuân thủ các hướng dẫn về vệ sinh tay của Bộ Y tế

Biện pháp

Mọi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải cung cấp đủ các phương tiện cần thiết để bảo đảm vệ sinh tay và có sẵn các lọ đựng dung dịch chứa cồn trên các bàn khám bệnh, các xe tiêm, xe làm thủ thuật, lối ra vào khoa

Khuyến khích bệnh nhân, gia đình họ yêu cầu nhân viên y tế vệ sinh tay trước khi chăm sóc, làm thủ thuật cho người bệnh

Dán các tờ rơi cạnh bồn rửa tay và và trong phòng tắm để nhắc nhở nhân viên vệ sinh tay.

Giám sát tuân thủ vệ sinh tay của nhân viên y tế và phản hồi với người phụ trách về việc thực hiện của nhân viên hoặc theo dõi số lượng cồn sát khuẩn tay dùng cho mỗi 1000 ngày điều trị.

Thực hiện một chương trình về vệ sinh tay và làm cho các hoạt động vệ sinh tay trở thành một ưu tiên của cơ sở y tế

Nguyên tắc 2

Tuân thủ các phòng ngừa cách ly trong các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho cả người bệnh và nhân viên y tế.

Biện pháp

Thực hiện các thực hành về Phòng ngừa chuẩn

Thực hiện các thực hành về Phòng ngừa theo đường tiếp xúc

Thực hiện các thực hành về Phòng ngừa theo đường giọt bắn

Thực hiện các thực hành về Phòng ngừa theo đường không khí

Nguyên tắc 3

Tuân thủ các quy định về vô khuẩn khi làm thủ thuật xâm lấn

Biện pháp

Dụng cụ y tế phải đảm bảo vô khuẩn cho tới khi sử dụng cho người bệnh

Tuân thủ các kỹ thuật vô khuẩn trong khi tiến hành các các thủ thuật xâm lấn.

Thực hiện đúng quy trình khử nhiễm, làm sạch, khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ y tế.

Nguyên tắc 4

Thực hiện các giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện

Biện pháp

Giám sát người bệnh nhiễm khuẩn

Giám sát vi khuẩn kháng thuốc

Giám sát sử dụng kháng sinh hợp lý

Giảm nguy cơ người bệnh bị ngã

Nguyên tắc 

Đánh giá nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến ngã liên quan đến bệnh, thuốc và phương pháp điều trị và có các hành động can thiệp hiệu quả khi nguy cơ được nhận diện.

Áp dụng:

Lắp đặt chuông báo động tại giường, trong các nhà vệ sinh, lối ra vào

Hạn chế việc mở cửa sổ

Huấn luyện bệnh nhân và gia đình về phòng ngừa ngã khi vào viện – Sử dụng “giường thấp” và có thành cho những người bệnh có nguy cơ ngã.

Các biện pháp về tổ chức và quản lý

Đổi mới văn hóa an toàn người bệnh

Theo Hiệp hội chăm sóc y tế và an toàn của Vương quốc Anh: văn hóa an toàn người bệnh là những giá trị, thái độ, nhận thức, năng lực và hành vi của mỗi cá nhân cán bộ y tế hay của cơ sở y tế. Nó thể hiện trách nhiệm và sự cam kết của một tổ chức chăm sóc sức khoẻ trong việc đảm bảo an toàn người bệnh.

Một cơ sở y tế không thể thực sự cải tiến an toàn người bệnh, nếu chờ đợi các sự cố xảy ra rồi mới có hành động khắc phục. Những phương pháp nhằm vào việc quy chụp trách nhiệm cho cá nhân những người liên quan đến sự cố sẽ dẫn đến văn hóa dấu diếm sự thật và đã được chứng minh ít hiệu quả trong việc mang lại những kết quả dài hạn. Bằng chứng là hầu hết các Sổ sai sót của các khoa và các bệnh viện hiện nay hầu như việc ghi theo dõi các sự cố mang tính hình thức và ít hiệu quả.

Theo các nhà nghiên cứu y khoa, 70% các sự cố y khoa không mong muốn có nguồn gốc sai sót từ hệ thống và chỉ có 30% là do cá nhân người hành nghề. Văn hoá an toàn cần bắt đầu từ cấp lãnh đạo và sự tham gia của mọi cán bộ y tế. Lãnh đạo không định kiến và cởi mở trao đổi về những sai sót-sự cố y khoa không mong muốn. Các hành vi liên quan tới văn hóa an toàn người bệnh bao gồm:

Chủ động báo cáo và trao đổi một cách cởi mở về các sai sót, sự cố y khoa

Đánh giá cao những cán bộ y tế chủ động báo cáo khi sự cố xảy ra.

Giúp đỡ tinh thần cho những cán bộ y tế có liên quan tới sự cố

Trao đổi thông tin với bệnh nhân về kết quả điều trị, kể cả những việc xảy ra ngoài dự kiến

Tạo điều kiện để người bệnh trở thành một thành viên tích cực trong nhóm chăm sóc

Làm việc theo nhóm

Chủ động đánh giá rủi ro và ngăn ngừa sai sót.

Thành lập Ban an toàn người bệnh và bổ nhiệm điều phối viên

Ban an toàn người bệnh bao gồm đại diện Lãnh đạo và một số thành viên. Ban này có thể họp định kỳ để rà soát lại các vấn đề an toàn còn tiềm ẩn hay đã thực sự xảy ra. Việc thành lập Ban an toàn người bệnh sẽ giúp thúc đẩy văn hoá an toàn và duy trì sự hoạt động dài lâu chứ không phải chỉ là nhất thời. Ban an toàn người bệnh sẽ hợp nhất các hoạt động chung của nhiều bộ phận khác nhau ở mỗi cơ sở y tế.

Bổ nhiệm một người điều phối các hoạt động an toàn người bệnh. Thiết lập một cơ cấu mới để phối hợp và điều phối các hoạt động an toàn người bệnh.

Khuyến khích tường trình sai sót

Cơ sở y tế cần có hướng dẫn cách thức báo cáo những sự cố y khoa và sai sót chuyên môn. Các hướng dẫn có thể bao gồm việc xác định các sự cố nào cần báo cáo, nên báo cáo với ai, báo cáo gửi cho ai và lưu ở đâu.

Có nhiều cách khác nhau để nhận thông tin về các sai sót, sự cố y khoa như: báo cáo qua Email, qua đường dây nóng, qua người phụ trách bộ phận quản lí chất lượng hoặc một cán bộ lâm sàng được tin tưởng. Các quy định báo cáo chính thức, trịnh trọng cứng nhắc sẽ không có kết quả.

Chủ động đánh giá rủi ro

Một cách chủ động làm giảm sai sót, sự cố là thành lập một nhóm người để xem xét các báo cáo về các vấn đề an toàn còn tiềm ẩn và chủ động cải tiến quy trình. Nhóm này có thể gồm các bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, bộ phận quản lý rủi ro và bộ phận cải tiến nghiệp vụ chuyên môn. Nhóm này nên gặp nhau thường xuyên để rà soát lại các thông tin từ các báo cáo chính thức cũng như không chính thức, qua đó sẽ chủ động can thiệp.

Thiết lập các hệ thống báo cáo nội bộ về các sự cố liên quan đến an toàn người bệnh. Báo cáo cần phân tích nguyên chính của các sự cố và để tiến hành các hoạt động chủ động giảm bớt rủi ro. Hàng năm cần có báo cáo phân tích tổng hợp về sự cố đã xảy ra và những hoạt động nhằm cải tiến an toàn cho bệnh nhân. Các cơ sở y tế cần theo các bước sau đây khi thực hiện phương pháp chủ động đánh giá rủi ro:

Bước 1: Chọn một qui trình có rủi ro cao để phân tích

Bước 2: Vẽ sơ đồ qui trình các bước tiến hành

Bước 3: Động não về các kiểu sự cố tiềm ẩn và xác định hậu quả

Bước 4: Xếp ưu tiên các kiểu sự cố

Bước 5: Xác định nguyên do gốc của các kiểu sự cố

Bước 6: Thiết kế lại qui trình

Bước 7: Phân tích và kiểm tra qui trình mới

Bước 8: Thực hiện và theo dõi qui trình được thiết kế lại

Sự quan tâm của lãnh đạo là chìa khoá

Văn hoá an toàn hàm chỉ thái độ mang tính tập thể. Xây dựng văn hoá an toàn người bệnh khởi đầu từ người lãnh đạo, lãnh đạo cần có thái độ đúng mực, không định kiến để có thể trao đổi cởi mở với nhân viên y tế về những sai sót tiềm ẩn. Lãnh đạo nào làm được điều này chắc chắn sẽ được nhân viên tin tưởng và tích cực tham gia các hoạt động liên quan đến an toàn người bệnh.  – Lãnh đạo cơ sở y tế phải thường xuyên nói về tầm quan trọng của sự an toàn người bệnh và khuyến khích tất cả mọi người quan tâm, tập trung vào việc cải tiến an toàn người bệnh. Sự an toàn không nên chỉ là lỗ lực nhất thời, thông điệp về sự an toàn cần được duy trì lâu dài.

Tạo điều kiện cho người bệnh đặt câu hỏi đối với nhân viên y tế

Hỏi người hành nghề nghề về việc chẩn đoán, các xét nghiệm và kế hoạch điều trị.

Hỏi điều dưỡng viên, hộ sinh viên những thuốc đưa cho người bệnh uống và tác dụng của thuốc

Hỏi về khả năng sự cố y khoa không mong muốn khi chấp nhận phẫu thuật, thủ thuật

KẾT LUẬN

An toàn người bệnh là vấn đề phổ biến, có phạm vi rộng và gây sự quan tâm của toàn xã hội. Những bằng chứng nghiên cứu dịch tễ học về vấn đề an toàn người bệnh còn hạn chế, do đây là vấn đề nhậy cảm. Tuy nhiên, hiện nay sai sót chuyên môn đã được đưa vào Luật khám bệnh chữa bệnh và là một trong những tiêu chí quan trọng nhất về chất lượng. Bệnh viện cần triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh bao gồm các nội dung chính sau đây:

Thành lập Ban an toàn người bệnh và bổ nhiệm điều phối viên

Đào tạo nhân viên y tế nhận thức và thực hiện các hoạt động an toàn người bệnh

Nghiên cứu về an toàn người bệnh, chia sẻ các bài học từ việc phân tích nguyên nhân gốc với lãnh đạo cũng như các nhân viên khác. Nghiên cứu và học hỏi từ những sai sót và phải coi đó là cơ hội để rút kinh nghiệm.

Thiết lập hệ thống báo cáo sự cố và sai sót y khoa. Phát triển hệ thống thu thập thông tin về sự cố y khoa và trao đổi những sai sót.

Xây dựng và thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn người bệnh

Giáo dục nhân viên y tế văn hoá an toàn và biết cách thể hiện văn hoá này.

Khuyến khích bệnh nhân và gia đình họ tham gia vào tiến trình chăm sóc sức khoẻ.

Chia sẻ thông tin về sự an toàn người bệnh tại các hội nghị và qua các buổi trao đổi không chính thức

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Luật khám bệnh chữa bệnh

The Quality in Australian Health Care Study. Ross McL Wilson, William B Runciman, Robert W Gibberd, Bernadette T Harrison, Liza Newby and John D Hamilton

Brennan TA, Leape LL, Laird NM, Hebert L, Localio AR, Lawthers AG, et al. Incidence of adverse events and negligence in hospitalized patients.

N Engl J Med 1991; 324: 370-376[Abstract].

Wilson RM, Runciman WB, Gibberd RW, Harrison BT, Newby L, Hamilton JD. The quality in Australian health care study. Med J Aust 1995; 163: 458-471[Medline].

Classen DC, Pestotnik SL, Evans RS, Burke JP. Computerized surveillance of adverse drug events in hospitalized patients. JAMA 1991; 266: 2847-2851[Abstract].

Donchin Y, Gopher D, Olin M, Badihi Y, Biesky M, Sprung CL, et al. A look into the nature and causes of human errors in the intensive care unit.

Crit Care Med 1995; 23: 294-300[CrossRef][Medline].

Trunet P, Le Gall JR, Lhoste F, Regnier B, Saillard Y, Carlet J, et al. The role of iatrogenic disease in admission to intensive care. JAMA 1980; 244: 2617-2620[Abstract].

Johnson JA, Bootman JL. Drug-related morbidity and mortality and the economic impact of pharmaceutical care. Am J Health Syst Pharm 1997; 54: 554-558[Free Full Text].

Wilson RM, Harrison BT, Gibberd RW, Hamilton JD. An analysis of the causes of adverse events from the quality in Australian health care study. Med J Aust 1999; 170: 411-415[Medline].

Windsor JA, Pong J. Laparoscopic biliary injury: more than a learning curve problem. Aust N Z J Surg 1998; 68: 186-189[Medline].

COMMENTS

WORDPRESS: 0