ĐẠI CƯƠNG
Bí tiểu là tình trạng nước tiểu bị ứ trệ trong lòng bàng quang do những rối loạn cơ năng hoặc thực thể sau bàng quang.
Bí tiểu có thể cấp tính hoặc mạn tính. Bí tiểu cấp tính là một cấp cứu nội ngoại khoa rất thường gặp trên lâm sàng.
Nguyên nhân:
Do vật lạ: sỏi niệu đạo kẹt là nguyên nhân thường gặp nhất, có thể do cục máu đông gây nghẽn.
Bệnh lý tiền liệt tuyến: U xơ tiền liệt tuyến, ung thư tiền liệt tuyến, viêm hoặc áp xe tiền liệt tuyến, nhồi máu tiền liệt tuyến.
Hẹp niệu đạo: do viêm cấp, viêm mạn, sẹo phẫu thuật, do u ngoài chèn vào, chấn thương vỡ giập niệu đạo…
Nguyên nhân thần kinh: tai biến mạch máu não, dùng một số thuốc có tác dụng phụ kháng cholinergic.
ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG
Cơ năng: bệnh nhân khó chịu, cảm giác đau tức vùng hạ vị, muốn đi tiểu nhưng không tiểu được. Một số bệnh nhân kích thích la hét, nhất là khi bị bí tiểu cấp.
Thực thể: khám thấy cầu bàng quang dương tính, trong đa số trường hợp ấn vào bàng quang khi khám sẽ gây khó chịu và đau. Đặt thông tiểu: nước tiểu chảy ra nhiều và cầu bàng quang xẹp ngay. Ở nam giới cần khám trực tràng để phát hiện tiền liệt tuyến lớn.
Đa số trường hợp chẩn đoán xác định bí tiểu thường rất dễ và không cần đến các xét nghiệm cận lâm sàng bổ sung.
Thăm dò hình ảnh, đặt biệt là siêu âm sẽ phát hiện bàng quang lớn chứa đầy nước tiểu. Siêu âm giúp xác định nguyên nhân gây bí tiểu như phát hiện sỏi niệu đạo kẹt, cục máu đông, u xơ hoặc ung thư tiền liệt tuyến,…
PHÂN LOẠI
Bí tiểu cấp tính:
Là hiện tượng đột ngột bí tiểu, bệnh nhân cố rặn mới may ra có vài giọt nước tiểu thoát ra ngoài, trong khi đó thì bàng quang căng đầy, cảm giác rất tức bụng và đôi khi xuất hiện cơn co thắt.
Nguyên nhân chủ yếu của bí tiểu cấp này thường là do u lành tiền liệt tuyến gây chèn ép, sỏi mắc nghẽn tại cổ bàng quang hay niệu đạo, chấn thương vỡ, giập niệu đạo, chấn thương cột sống. Với tình trạng này bệnh nhân phải được thông tiểu ngay.
Bí tiểu mạn tính:
Là kết quả của tình trạng tiểu khó và tiểu không hết trải qua thời gian dài, nước tiểu tồn tại trong bàng quang ngày một tăng. Đến lúc nào đó bụng dưới hình thành khối cầu bàng quang lớn dần nhìn thấy được, to như quả bóng nhỏ. Bệnh nhân dần dần thích nghi với tình trạng bất thường này.
CHẨN ĐOÁN
Chẩn đoán xác định:
Phát hiện cầu bàng quang dương tính.
Thông tiểu thấy nước tiểu ra nhiều, cầu bàng quang xẹp ngay.
Siêu âm phát hiện bàng quang lớn.
Chẩn đoán phân biệt:
Với vô niệu: trong vô niệu, thận sản xuất nước tiểu dưới 100ml/24 giờ, cần phải đặt thông tiểu và thu thập nước tiểu 24 giờ để xác định.
Với thai nghén: u xơ tử cung.
ĐIỀU TRỊ
Phương pháp thường được dùng là đặt thông Foley tại chỗ.
Trường hợp khó đặt thông: nếu thông tiểu không vào được bàng quang dễ dàng nguyên nhân thường là do co thắt cơ vòng ngoài, sau khi hẹp niệu đạo, co thắt hay phì đại cổ bàng quang.
Phì đại tiền liệt tuyến hiếm khi cản trở đường đi của ống thông vì ống thông có thể dễ dàng đẩy các thuỳ của tiền liệt tuyến qua hai bên để đi qua, đặc biệt là với ống thông có đường kính số 22F.
Nếu bệnh nhân biết hoặc nghi ngờ có hẹp niệu đạo, phải chụp niệu đạo ngược dòng để đánh giá tình trạng niệu đạo.
Nếu hình ảnh cho thấy rõ ràng chỗ hẹp khít không qua được, phải mở thông bàng quang qua da trên xương mu để dẫn lưu nước tiểu tạm thời.
Ở tuyến trên, ngoài việc dẫn lưu nước tiểu thì cần phải thăm dò và điều trị nguyên nhân gây bí tiểu: phì đại lành tính, ung thư tiền liệt tuyến, viêm bàng quang niệu đạo, sỏi niệu đạo,…
BÌNH LUẬN