Đại cương
Phần lớn các khối u đặc ở trẻ em có tính chất ác tính (ung thư). Chẩn đoán sớm ung thư trẻ em có ý nghĩa quan trọng: tăng khả năng chữa khỏi bệnh, rút ngắn quá trình điều trị, giảm bớt việc sử dụng các thuốc gây độc tế bào, giảm tác dụng không mong muốn và biến chứng của điều trị. Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào bản chất u tiên phát, tình trạng di căn của khối u và đáp ứng với điều trị. Khi nghi ngờ khối u ác tính, cần làm chẩn đoán nhanh để xác định: vị trí u nguyên phát, mô bệnh học, hóa mô miễn dịch, giai đoạn bệnh, các yếu tố nguy cơ, tiên lượng bệnh. Mô bệnh học là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định. Quá trình chẩn đoán cần sựphối hợp của nhiều chuyên khoa, bệnh nhân và gia đình.
Các khối u hệ thần kinh trung ương chiếm tỉ lệ cao nhất, sau đó là u lympho, nguyên bào thần kinh, sarcoma phần mềm, u nguyên bào võng mạc, ung thư xương, u tế bào mầm, ung thư gan, ung thư thận….
Chẩn đoán
Triệu chứng lâm sàng
Bất cứ khối u nào của cơ thể đều phải xác định lành hay ác tính. Tùy theo vị trí khối u, mức độ di căn mà có các biểu hiện khác nhau. Triệu chứng thực thể thường gặp nhất ở 4 tổ chức, cơ quan: máu, não, bụng, xương. Cần chẩn đoán phân biệt với những bệnh không ác tính
Bảng 1. Các biểu hiện lâm sàng thường gặp trong ung thư trẻ em
Triệu chứng | Bệnh không ác tính | Ý nghĩa | Bệnh ác tính |
Thiếu máu, xuất huyết do giảm tiểu cầu, sốt kéo dài, nhiễm trùng tái diễn | Thiếu máu do nguyên nhân khác. Xuất huyết giảm tiểu cầu tiên phát. Bệnh nhiễm trùng | Thâm nhiễm tủy xương | Bệnh bạch cầu cấp, các
ung thư di căn tủy xương |
Đau xương, khớp | Cốt tủy viêm, viêm khớp, chấn thương | U xương tiên
phát, di căn xương |
Sarcoma xương, Sarcom Ewing, bạch cầu cấp, u nguyên bào thần kinh, sarcoma sụn |
Hạch to, nhiều, không đau | Nhiễm virus EBV, virus cựbào | Bệnh lympho liên võng ác tính | Bệnh Hodgkin, u lympho không
Hodgkin, bạch cầu cấp |
Triệu chứng | Bệnh không ác tính | Ý nghĩa | Bệnh ác tính |
Tổn thương da | Áp xe, chấn thương | Bệnh tiên phát hoặc di căn | U nguyên bào thần kinh, bạch cầu cấp, tăng mô bào X, u hắc tố |
Khối u bụng | Cơ quan trong ổ bụng to như thận đa nang, nang bạch huyết, u nang buồng trứng… | Các khối u hoặc hạch trong ổ bụng | U nguyên bào thần kinh, các loại u thận, u gan, u lympho không Hodgkin, u quái, u tế bào mầm, u nguyên bào tụy |
Cao huyết áp | Viêm cầu thận, bệnh mạch thận | U thần kinh giao cảm | U nguyên bào thần kinh, u tủy thượng thận, u thận, u lympho không Hodgkin |
Khối phần mềm | Áp xe | U khu trú hoặc di căn | Sarcoma Ewing, u cơ vân, sarcoma phần mềm khác, u hạt ưa axit |
Chảy máu âm đạo | Dị vật, rối loạn đông máu | U tử cung | U cơ vân, u túi noãn hoàng |
Nôn, nhìn mờ, thất
điều, đau đầu, phù gai thị, liệt |
Đau nhức nửa đầu Migraine | Tăng áp lực nội sọ | U não tiên phát, di căn não (u nguyên bào thần
kinh) |
U trung thất trước, khó thở, tràn dịch màng phổi | Nhiễm khuẩn
(lao), tuyến hung to |
Ho, thở rít, viêm phổi, chèn ép khí phế quản | Bạch cầu cấp dòng lympho T, u lympho không Hodgkin, u quái, u nguyên bào phổimàng phổi, di căn phổi (u gan, u tế bào mầm…) |
U trung thất sau | Bệnh thực quản | Chèn ép rễ thần kinh, cột sống, khó nuốt | U nguyên bào thần kinh |
Đốm trắng ở đồng
tử |
Đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp | Đồng tử trắng | U nguyên bào võng mạc |
Bầm máu quanh mắt (dấu hiệu đeo kính râm) | Chấn thương | Di căn | U nguyên bào thần kinh |
Lồi mắt, sụp mi | Bệnh Graves | U hốc mắt | Bạch cầu cấp dòng tủy, u nguyên bào thần kinh, sarcoma cơ vân |
Tinh hoàn to | Viêm tinh hoàn | U tiên phát hoặc di căn | U túi noãn hoàng, u lympho, bạch cầu cấp dòng lympho |
Một số loại ung thư trẻ em có tần số mắc bệnh cao theo tuổi:
Trẻ 1-2 tuổi: u quái, u nguyên bào thận, u nguyên bào thần kinh, u nguyên bào võng mạc, u gan, u tế bào mầm
Trẻ 2-5 tuổi: bệnh bạch cầu cấp dòng lympho, u não, u nguyên bào thận
Trẻ lớn: u não, bệnh Hodgkin, bạch cầu cấp dòng tủy, u lympho không Hodgkin.
Cận lâm sàng
Các kỹ thuật cần cho chẩn đoán: chẩn đoán hình ảnh (X quang thường, siêu âm, CT có thuốc, MRI), tế bào học, mô bệnh học, hóa mô miễn dịch, hóa sinh, di truyền tế bào và phân tử.
Chẩn đoán hình ảnh: là tiếp cận đầu tiên để xác định vị trí, kích thước, mức độ xâm lấn của khối u, tình trạng di căn hạch lympho. Chẩn đoán hình ảnh cũng rất có giá trị trong theo dõi tiến triển bệnh khi điều trị.
X quang, siêu âm thông thường có giá trị xác định sơ bộ vị trí khối u. – Chụp CT có thuốc có giá trị chẩn đoán hơn chụp MRI trong chẩn đoán các khối u vùng bụng, tiểu khung, trung thất, xương, đánh giá di căn phổi, mối tương quan với các mạch máu để phẫu thuật, xác định có huyết khối hay không.
Chụp MRI có thuốc có giá trị chẩn đoán hơn chụp CT trong khối u phần mềm, u não, u cột sống.
Chụp đánh dấu phóng xạ có giá trị trong chẩn đoán u tuyến giáp.
Chụp PET-CT giúp xác định tình trạng di căn xa của một số khối u: tuyến giáp, u lympho không Hodgkin.
Tế bào học: những khối hạch, u vùng dưới da nên được chọc hút tế bào để loại trừ các khối u lành. Nếu kết quả tế bào học lành tính, nhưng lâm sàng nghi ngờ ác tính vẫn phải sinh thiết khối u để chẩn đoán xác định.
Mô bệnh học: là xét nghiệm quan trọng nhất để chẩn đoán xác định. Yêu cầu phải lấy được đúng bệnh phẩm của khối u nghi ngờ, kích thước đủ lớn, cố định trong môi trường đúng. Nếu chất lượng tiêu bản tốt, mô bệnh học điển hình, có thể chẩn đoán xác định qua đọc kính hiển vi. Những trường hợp khó, cần chẩn đoán phân biệt, hoặc phân dưới nhóm (ví dụ, u lympho không Hodgkin), kỹ thuật hóa mô miễn dịch rất có giá trị.
Xét nghiệm sinh hóa: góp phần chẩn đoán bệnh, theo dõi tiến triển bệnh.
U nguyên bào thần kinh: tăng catecholamin, VMA, HVA niệu.
U tế bào mầm, u nguyên bào gan: tăng AFP. U tế bào mầm: tăng HCG
Tủy đồ hoặc sinh thiết tủy xương: có giá trị chẩn đoán các khối u di căn vào tủy xương: u lympho, nguyên bào thần kinh, u tế bào mầm, sarcoma cơ vân, sarcoma Ewing, u nguyên bào võng mạc.
Xét nghiệm di truyền tế bào và phân tử từ các tế bào của khối u: có giá trị để chẩn đoán nguy cơ tái phát, lựa chọn phác đồ điều trị. Ví dụ: trong bệnh u nguyên bào thần kinh, tìm n-MYC trong tế bào khối u hoặc tế bào di căn ở tủy xương bằng kỹ thuật FISH. Nếu có n-MYC là yếu tố tiên lượng xấu, bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao tái phát.
Chẩn đoán giai đoạn bệnh
Đánh giá mức độ di căn, lan tỏa của khối u rất quan trọng trong việc lựa chọn phác đồ điều trị thích hợp. Mỗi loại bệnh ung thư có cách phân giai đoạn riêng, tùy theo từng nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên đều dựa trên nguyên tắc phân giai đoạn cổ điển hoặc hệ thống TNM.
Bảng 2. Phân giai đoạn ung thư theo kinh điển
Giai đoạn | Đặc điểm |
0 | Khối u khu trú tại chỗ (không xâm lấn, không có di căn theo đường mạch máu hoặc bạch huyết) |
I | Khối u xâm lấn tại chỗ, chưa có di căn |
II | Khối u lan rộng hạn chế và / hoặc có di căn hạch lympho vùng |
III | Khối u lan rộng và / hoặc di căn nhiều đến các hạch lympho vùng |
IV | Khối u lan rộng nhiều hoặc có di căn xa, không kể tình trạng xâm lấn của u |
Bảng 3. Phân giai đoạn ung thư theo TNM
Yếu tố | Đặc điểm |
T | U nguyên phát |
TX | U nguyên phát không đánh giá được |
TO | Không phát hiện được u nguyên phát |
Tis | Carcinoma tại chỗ |
T1, 2, 3, 4 | Kích thước và/hoặc mức độ lan rộng tại chỗ của u nguyên phát tăng dần |
N | Hạch lympho vùng |
NX | Hạch vùng không đánh giá được |
NO | Không thấy di căn hạch vùng |
N1, 2, 3 | Hạch vùng tăng dần về số lượng |
M | Di căn xa |
MX | Di căn xa không đánh giá được |
MO | Không thấy di căn xa |
M1 | Có di căn xa, tùy theo vị trí di căn có chú thích thêm: M1 (pul: phổi; os: xương; hep: gan; bra: não; lym: hạch lympho; pleu: màng phổi; per: màng bụng, ski: da; oth: nơi khác) |
Xử trí
Nguyên tắc chung:
Điều trị đặc hiệu: Kết hợp các phương pháp phẫu thuật, đa hóa trị liệu, xạ trị.
Điều trị hỗ trợ: Chống nhiễm trùng, dinh dưỡng, giảm đau, chống nôn, tâm lý.
Phẫu thuật:
Trong một số trường hợp, phẫu thuật ung thư trẻ em là cấp cứu có trì hoãn. Tùy vị trí, kích thước khối u để phẫu thuật nhằm mục đích:
Sinh thiết để xác định chẩn đoán: sinh thiết mở hoặc nội soi lấy bệnh phẩm u, hạch lân cận, sinh thiết lạnh tức thì trước khi cắt u. Cách lấy bệnh phẩm: sinh thiết qua kim, sinh thiết lạnh, sinh thiết qua mổ nội soi hoặc mổ mở. Khi mổ sinh thiết hoặc cắt u, phẫu thuật viên cần mô tả đầy đủ đại thể khối u, mức độ xâm lấn, di căn của khối u tới hạch hoặc tổ chức, cơ quan lân cận.
Phẫu thuật cấp cứu: tắc ruột, bí đái, mở khí quản, thủng ruột.
Phẫu thuật cắt toàn bộ u hoặc cắt bỏ tối đa khối u trước hóa trị liệu. Cắt rộng khối u, cắt bỏ khoang cơ, cắt bỏ toàn bộ cơ quan, lấy tổ chức mỡ quanh u. Tránh làm vỡ khối u làm tăng giai đoạn bệnh.
Phẫu thuật cắt u sau hóa trị liệu: u nguyên bào thận (tùy quan điểm); u nguyên bào thần kinh giai đoạn III; u nguyên bào gan lớn, không thể cắt được; sarcoma Ewing. Hóa trị trước phẫu thuật giúp cắt u dễ dàng hơn, giảm giai đoạn bệnh vào thời điểm phẫu thuật, giảm di căn vào mạch máu (huyết khối tĩnh mạch chủ dưới), giảm tăng sinh mạch máu quanh u, giảm mủn nát u.
Phẫu thuật nội soi cắt u: khi kích thước khối u nhỏ.
Vét hạch khu vực: các loại ung thư có nguồn gốc biểu mô, sarcoma cơ vân, vét hạch rất cần thiết.
Phẫu thuật tạm thời: giảm triệu chứng, giảm đau cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối như mở thông dạ dày, làm hậu môn nhân tạo…
Phẫu thuật tạo hình và phục hồi chức năng: tạo hình vạt da, cắt đoạn xương…
Đặt buồng tiêm dưới da (port a cath): chỉ định khi bệnh nhân cần hóa trị liệu liều cao, tích cực, kéo dài. Biến chứng: nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng tại vị trí đặt, tắc catheter, tụ máu tại vị trí đặt…
Đánh giá toàn trạng bệnh nhân trước gây mê: tình trạng hô hấp, nguy cơ khối u trung thất chèn ép khí quản, tim mạch và xét nghiệm cơ bản : công thức máu, tiểu cầu, đông máu cơ bản, điện giải đồ.
Nguyên tắc sinh thiết
+ Đường rạch da hợp lý: có thể cắt đường rạch này khi cắt bỏ khối u.
+ Không làm tế bào u lan tràn đến khoang kế cận, đến đường dẫn lưu bạch huyết ngoài khu vực khối u. Ví dụ: sinh thiết tinh hoàn qua đường ống bẹn, không xuyên da bìu.
+ Chọn phương pháp sinh thiết hợp lý: sinh thiết toàn bộ hạch khi nghi ngờ u lympho.
+ Đánh giá giai đoạn bệnh.
Hóa trị liệu:
Hầu hết các tế bào u nhạy cảm với hóa chất diệt tế bào u.
Nguyên lý sử dụng: đa hóa trị liệu, hóa chất bổ trợ, dùng liều tối đa dung nạp được.
Chỉ dùng hóa trị liệu khi có chẩn đoán ung thư bằng mô bệnh học.
Chỉ điều trị hóa chất ở những trung tâm có đủ điều kiện chăm sóc hỗ trợ, bác sĩ có kinh nghiệm trong sử dụng, xử trí độc tính thuốc, sựcam kết từ gia đình hoặc bệnh nhân.
Trước khi bắt đầu hóa trị liệu, cần có phác đồ điều trị cụ thể, đã được chấp nhận về hiệu quả điều trị trước đó, phối hợp được với các chuyên khoa khác như phẫu thuật, xạ trị, hồi sức.
Tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị. Không giảm liều hoặc hoãn điều trị trừ khi bệnh nhân không đủ điều kiện dùng thuốc.
Hóa trị liệu liều cao, sau đó ghép tủy hoặc tế bào gốc tạo máu cho các khối u giai đoạn muộn, nguy cơ tái phát cao.
Xạ trị:
Cân nhắc lợi ích, độc tính cấp, và lâu dài của xạ trị, hạn chế xạ trị ở trẻ nhỏ.
Một số bệnh ung thư có chỉ định xạ trị kết hợp hóa trị liệu, phẫu thuật: u cơ vân; u thận giai đoạn III, nhóm nguy cơ cao; u nguyên bào tủy (medulloblastoma)…
Xạ trị điều biến liều làm giảm các tác dụng trên mô lành.
Xạ trị đúng thời điểm, liều lượng theo phác đồ đã lựa chọn cho bệnh nhân.
Điều trị giảm nhẹ: Bệnh nhân giai đoạn cuối, khi các biện pháp giảm đau khác thất bại; tình trạng cấp cứu như khối u chèn ép tủy sống, hội chứng tĩnh mạch chủ trên.
Điều trị hỗ trợ khác:
Điều trị các nhiễm khuẩn, sốt giảm bạch cầu hạt: kháng sinh nhóm Cephalosphorin thế hệ 3 hoặc 4, phối hợp với nhóm Aminoglycosis. Nếu có buồng tiêm dưới da, sốt sau 48 giờ dùng kháng sinh trên, cân nhắc dùng thêm
Vancomycin. Nếu sốt sau 4 ngày dùng kháng sinh như trên, cân nhắc dùng thêm Amphotericin B tĩnh mạch 0,5-1 mg/kg/ngày. Viêm niêm mạc miệng, viêm ruột, viêm quanh hậu môn: dùng thêm Metronidazol tĩnh mạch 30 mg/kg/ngày, chia 2 lần.
Sử dụng thuốc kích bạch cầu (GCSF), 5-10 mcg/kg/ngày nếu sốt, giảm bạch cầu hạt ≤ 500/mm3.
Truyền các chế phẩm máu: Truyền khối hồng cầu khi Hb ≤ 80 g/L, tiểu cầu ≤ 20.000/mm3, plasma tươi khi giảm prothrombin, fibrinogen.
Chống nôn: Ondasetron 6 mg/m2/lần, tiêm tĩnh mạch chậm, 4-6 giờ /lần
Tâm lý liệu pháp: Nếu trẻ có lo âu, trầm cảm.
Giảm đau: Đánh giá đau, sử dụng các thuốc giảm đau theo mức độ đau, từ Paracetamol, Efferalgan codein, Morphine tiêm ngắt quãng, truyền liên tục 24 giờ, liều tăng cường; Morphine uống
Dinh dưỡng: khuyến khích trẻ tựăn hoặc tăng cường dinh dưỡng qua sonde dạ dày hoặc nuôi dưỡng tĩnh mạch. Trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng, chán ăn trước, trong và sau điều trị.
BÌNH LUẬN