Trích từ cuốn “Thận học lâm sàng” Hà Hoàng Kiệm, NXB YH 2010.
1. ĐỊNH NGHĨA
Ung thư tế bào biểu mô thận thuộc loại ung thư thận nguyên phát, là dạng thường gặp nhất của ung thư thận. Ung thư phát triển từ các tế bào ống thận, thường tạo thành một u đơn lẻ ở một thận, nhưng đôi khi có hai u hoặc hơn ở một thận, một số trường hợp cả hai thận đều có u phát hiện được trong cùng một thời gian.
Ung thư tế bào biểu mô thận chiếm 90% các ung thư thận, thường gặp ở người trên 55 tuổi. Tỉ lệ ung thư tế bào biểu mô thận trong cộng đồng ước tính khoảng 3/10.000 người. Hàng năm ở Hoa Kỳ, phát hiện mới khoảng 31.000 người bị ung thư tế bào biểu mô thận, và khoảng 12.000 người tử vong do ung thư tế bào biểu mô thận mỗi năm. Ung thư tế bào biểu mô thận giai đoạn đầu không có triệu chứng, nên thường được phát hiện muộn. Nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán hình ảnh, ngày nay ung thư thận được phát hiện sớm khi khối u còn nhỏ, vào khoảng 40% số bệnh nhân, do khám sức khỏe định kỳ hoặc khám hệ thống do một bệnh khác ngoài thận. Điều trị tốt nhất với ung thư tế bào biểu mô thận giai đoạn sớm là cắt thận.
2. PHÂN LOẠI THEO MÔ BỆNH HỌC THẬN
Căn cứ vào hình ảnh tế bào ung thư quan sát qua mô bệnh học, ung thư tế bào biểu mô thận được phân ra 5 týp sau:
– Ung thư thận tế bào sáng (clear cell renal cell carcinoma): týp ung thư thận tế bào sáng là týp hay gặp nhất trong ung thư tế bào biểu mô thận, chiếm tỉ lệ 80% bệnh nhân ung thư tế bào biểu mô thận. Dưới kính hiển vi quang học, các tế bào ung thư sáng hoặc tái nhạt, do tích lũy nhiều lipid trong bào tương. Nhân tế bào vẫn ở giữa tế bào.
– Ung thư tế bào biểu mô thận hình nhú (papillary renal cell carcinoma): týp ung thư này thường gặp thứ hai sau ung thư thận tế bào sáng, chiếm khoảng 10-15% các ung thư tế bào biểu mô thận. Týp ung thư này tạo thành các hình lồi ra giống như hình đầu ngón tay nhỏ (nên được gọi là hình nhú) ở trong một số phần của khối u, không phải tất cả khối u. Một số tác giả gọi týp ung thư này là ung thư tế bào ưa màu (chromophilic), vì khi được nhuộm để chuẩn bị mô xem dưới kính hiển vi quang học, các tế bào ung thư có màu hồng.
– Ung thư tế bào biểu mô thận kỵ màu (chromophobe renal cell carcinoma): týp ung thư này chiếm khoảng 5% ung thư tế bào biểu mô thận. Các tế bào ung thư của týp này có màu tái nhạt giống như tế bào sáng, nhưng kích thước tế bào to hơn nhiều và có thêm một số đặc điểm khác có thể phân biệt được với ung thư tế bào sáng.
– Ung thư tế bào biểu mô thận hình ống góp (collecting duct renal cell carcinoma): týp ung thư này hiếm gặp, đặc điểm chính là các tế bào ung thư tạo thành hình các ống không đồng nhất, trông giống như ống góp.
– Ung thư tế bào biểu mô thận không phân loại được (unclassified renal cell carcinoma): loại ung thư này hiếm gặp, không phân loại được vì ung thư này không phù hợp với bất cứ týp nào ở trên, vì có từ hai týp tế bào trở lên cùng có mặt.
3. TRIỆU CHỨNG
3.1. Triệu chứng lâm sàng
Giai đoạn sớm của ung thư tế bào biểu mô thận không có triệu chứng lâm sàng. Giai đoạn muộn có thể có các triệu chứng sau:
– Đái ra máu đại thể hoặc vi thể: đái ra máu không thường xuyên, vì vậy đứng trước một bệnh nhân đái ra máu, nhất là những người lớn tuổi, cần làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh thận, trước hết là siêu âm thận để phát hiện các u thận.
– Đau vùng hố thắt lưng: đau không thường xuyên, có thể đau một bên, có thể đau cả hai bên nếu cả hai thận đều có u. Triệu chứng này thường xuất hiện muộn, khi khối u đã to gây căng giãn bao thận.
– Khối u ở ổ bụng vùng mạn sườn: các dấu hiệu chạm thắt lưng, bập bềnh thận dương tính. Khi khối u to có thể nhìn thấy đẩy lồi lên ở thành bụng vùng mạn sườn.
– Triệu chứng toàn thân: gầy, xút cân nhanh, suy yếu, sốt cách quãng.
– Giãn tĩnh mạch bìu trái: nếu khối u thận trái xâm lấn vào tĩnh mạch thận.
3.2. Chẩn đoán hình ảnh
– Siêu âm thận: khối u thường ở vùng vỏ thận, thường là khối đồng âm hoặc tăng âm làm bờ thận không đều.
– Chụp thận có tiêm thuốc cản quang đường tĩnh mạch (UIV) khối u tăng ngấm thuốc vì giàu mạch máu tân tạo, khối u chèn đẩy làm biến dạng đài, bể thận.
– Chụp cắt lớp vi tính (CTscan) hoặc cộng hưởng từ hạt nhân (MRI) khối u có tỉ trọng cao hơn nhu mô thận lành. Nên tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch kết hợp để phân biệt rõ khối u và nhu mô thận lành, khối u là vùng tăng tỉ trọng vì ngấm thuốc cản quang tăng.
– Chụp động mạch thận khi cần xác định xâm lấn của khối u vào mạch máu thận.
3.3. Sinh thiết thận
Có thể sinh thiết thận bằng kim qua da dưới hướng dẫn của siêu âm trong trường hợp cần thiết. Những trường hợp khối u điển hình của ung thư không nên sinh thiết.
– Hỡnh ảnh đại thể: Mặt cắt khối u thận có màu vàng nhạt. Khối u gồm nhiều thùy, thường nằm ở vùng vỏ thận (u tế bào thận). Trong lòng u thường có các vùng hoại tử, chảy máu, hoặc mô xơ.
-Hình ảnh vi thể: dưới kính hiển vi quang học thấy các tế bào u có dạng hình dây thừng, chúng tạo thành các hình nhú, hình ống, hình tổ chim hoặc không điển hình như hình đa giác lớn. Các tế bào tích luỹ glucogen và lipid, do bào tương chất đầy lipid nên nhìn tế bào sáng (gọi là ung thư thận tế bào sáng), nhân vẫn nằm ở giữa tế bào và màng tế bào còn rõ. Một số tế bào có thể nhỏ hơn các tế bào khác và bào tương bắt màu toan. Mô đệm giảm nhưng tăng sinh nhiều mạch máu. Khối u chèn ép nhu mô thận bình thường xung quanh tạo ra hình vỏ bọc giả.
Khối u có thể bài tiết các chất hoạt mạch (renin) gây tăng huyết áp, erythropoietin gây tăng số lượng hồng cầu.
Hình 1. Ung thư tế bào biểu mô thận. Nhuộm HE xem dưới kính hiển vi quang học x 40
4. ĐIỀU TRỊ
4.1. Phẫu thuật cắt thận
Cắt thận là phương pháp đặt ra đầu tiên, và là phương pháp chính của điều trị ung thư tế bào biểu mô thận. Có thể cắt thận bán phần hay cắt thận toàn bộ tùy theo giai đoạn của ung thư. Cắt thận bán phần khi bệnh nhân chỉ có một thận hoặc khối u thận còn nhỏ, đường kính dưới 4cm.
4.2. Điều trị khi không còn khả năng phẫu thuật
Có thể chọn một trong các phương pháp sau:
– Gây tắc mạch (imbolization).
– Đốt lạnh (cryoablation).
– Đốt bằng dòng điện cao tần (radiofrequency ablation).
– Bốc bay khối u bằng tia laser (laser ablation).
Các phương pháp này có thể hủy được 90-95% tổ chức khối u, làm khối u nhỏ lại và chậm phát triển.
4.3. Điều trị bằng thuốc
Điều trị bằng hóa chất và tia xạ ít hiệu quả với ung thư tế bào biểu mô thận, nhưng các phương pháp điều trị sinh học và điều trị bằng thuốc ức chế tăng sinh khối u tỏ ra có hiệu quả.
– Phương pháp điều trị sinh học (biological therapy) hay còn gọi là điều trị bằng miễn dịch (immuno therapy). Sử dụng các cytokin như interleukin-II (IL-II) hoặc interferon á, để làm giảm sự phát triển của khối u.
– Sử dụng thuốc ức chế tăng trưởng khối u còn được gọi là liệu pháp mục tiêu (targeted therapy):
+ Sử dụng thuốc ức chế receptor tyrosin kinase (là mục tiêu tấn công của thuốc) như sorafenib (Nexava) và sunitinib (Sutent) để ức chế tăng sinh mạch máu tân tạo ở khối u.
+ Sử dụng chất ức chế mTOR kinase, làm ức chế tăng sinh tế bào khối u như temsirolimus (Tosisel)
4.4. Điều trị bằng vaccin chống ung thư như Tro Vax
5. TIÊN LƯỢNG
Tỉ lệ sống 5 năm của ung thư tế bào biểu mô thận giai đoạn sớm, khi khối u còn dưới 4 cm đường kính là 90-95%. Khi khối ung thư lớn hơn nhưng chưa xâm lấn vào tĩnh mạch, tỉ lệ sống 5 năm là 80-85%. Khối u đã xâm lấn qua bao thận tới các mô lân cận, tỉ lệ sống 5 năm gần 60%. Nếu ung thư đã di căn xa tới các cơ quan khác, tỉ lệ sống 5 năm dưới 5%.
BÌNH LUẬN