Trang chủNgoại tiêu hóa - Gan mật

Hẹp thực quản

Phẫu thuật cắt dây thần kinh x
Cấp cứu chấn thương bụng
Thủng ổ loét dạ dày – tá tràng
Viêm phúc mạc cấp
Phác đồ chẩn đoán và điều trị sỏi ống mật chủ

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV103, HVQY

1. Khái niệm

1.1. Giải phẫu thực quản

Thực quản là một ống nối giữa miêngj và dạ dày. Về phương diện giải phẫu học, thực quản dài khoảng 25cm và được chia làm 3 đoạn: đoạn cổ dài khoảng 3cm; đoạn ngực dài khoảng 20cm và đoạn bụng dài khoảng 2cm.

Thực quản tương đối di động, dính với các tạng xung quanh bằng các cấu trúc lỏng lẻo. Ở cổ, thực quản nằm sau khí quản, đi xuống trung thất sau, nằm phía sau tim, trước động mạch chủ ngực; xuyên qua cơ hoành vào ổ bụng, nối với dạ dày.

Lòng thực quản có ba chỗ hẹp:

– Chỗ nối tiếp với hầu, ngang mức sụn nhẫn.

– Ngang mức cung động mạch chủ và phế quản gốc trái.

– Lỗ tâm vị.

Thực quản có cấu tạo từ trong ra ngoài gồm các lớp:

– Lớp niêm mạc: là lớp biểu mô lát tầng không sừng.

– Tấm dưới niêm mạc: chứa các tuyến tiết nhầy.

– Lớp cơ: gồm tầng vòng ở trong, tầng dọc ở ngoài. Lớp cơ thực quản gồm hai loại là cơ vân ở đoạn 1/3 trên và cơ trơn ở 2/3 dưới.

– Lớp vỏ ngoài là lớp tổ chức liên kết lỏng lẻo ở thực quản đoạn cổ và ngực, lớp phúc mạc ở thực quản đoạn bụng.

               

Hình 1. A và B: Giả phẫu thực quản. 1: Khí quản;   2: Động mạch chủ ; 3& 4: Thực quản;  5: Cơ hoành.

Hình phải: cấu trúc ống tiêu hóa: 1: Lớp thanh mạc;   2: Tấm dưới thanh mạc;   3: Lớp cơ;   4: Lớp dưới niêm mạc;   5: Lớp niêm mạc. Thực quản không có lớp thanh mạc, lớp dưới thanh mạc là lớp vỏ ngoài là lớp tổ chức liên kết lỏng lo ở thực quản đoạn cổ và ngực, lớp phúc mạc ở thực quản đoạn bụng.

1.2. Hẹp thực quản

Hẹp thực quản là tình trạng một đoạn thực quản bị tổn thương gây chít hẹp lòng thực quản, dẫn tới cản trở sự lưu thông, vận chuyển thức ăn xuống dạ dày. Hậu quả là bệnh nhân bị khó nuốt dẫn tới ăn uống kém, thậm chí suy kiệt do không ăn uống được gì.

1.3. Nguyên nhân hẹp thực quản

1.3.1. Hẹp thực quản lành tính

– Hẹp thực quản bẩm sinh: thực quản bị hẹp trong quá trình phát triển thai kỳ. Bệnh thường xảy ra ở tuần thứ 4 của thai kỳ. Nguyên nhân gây bệnh còn chưa được rõ, gen có thể là một trong các yếu tố gây bệnh.

– Hẹp thực quản mắc phải: do biến chứng của một bệnh nào đó gây tổn thương thực quản như:

+ Viêm thực quản do trào ngược dạ dày – thực quản (GERD: Gastroesophageal reflux disease).

+ Bỏng thực quản do hóa chất, tia xạ.

+ Loét thực quản do lưu sonde dạ dày dài ngày gây ra, thường gặp ở các bệnh nhân bị hôn mê hoặc liệt toàn thân sau các tổn thương ở hệ thần kinh trung ương như tai biến mạch não hoặc chấn thương sọ não.

+ Sau điều trị giãn tĩnh mạch thực quản.

+ Di chứng sau chấn thương thực quản do nội soi gây ra.

+ Khối u thực quản lành tính,

+ Thực quản bị hẹp do bị các cấu trúc lân cận chèn ép như khối u trung thất.

1.3.2. Hẹp thực quản do bệnh ác tính

Ung thư thực quản

– Ung thư bên ngoài thực quản đè ép vào thực quản.

2. Triệu chứng

2.1. Triệu chứng lâm sàng

– Khó nuốt, nuốt nghẹn:

Tùy nguyên nhân, có thể xảy ra từ từ tang dần hoặc xảy ra đột ngột. Lúc đầu người bệnh thường bị nuốt nghẹn khi ăn thức ăn đặc về sau nuốt nghẹn cả khi ăn thức ăn lỏng hoặc uống nước. Mức độ khó nuốt còn phụ thuộc vào loại thức ăn và không giống nhau giữa các trường hợp: có bệnh nhân uống sữa dễ, nhưng uống nước lại khó, có bệnh nhân ăn thức ăn nóng dễ nhưng ăn lạnh lại khó, có bệnh nhân thì ngược lại… Do nuốt nghẹn, nên bệnh nhân buộc phải kéo dài thời gian ăn để thức ăn có thời gian đi qua chỗ nghẽn ở thực quản, dẫn tới bữa ăn có thể kéo dài hàng giờ.

– Cảm giác vướng sau xương ức: Có thể kéo dài nhiều giờ ở một số bệnh nhân do thức ăn ứ lại ở đoạn dưới của thực quản.

– Đau ở sau xương ức: Cơn đau không liên quan tới hoạt động về thể lực.

– Bệnh nhân thường bị nôn một cách tự nhiên, nhưng cũng có khi bệnh nhân phải tự gây nôn để nôn ra cho dễ chịu. Nguyên nhân là do thực quản bị hẹp khiến thức ăn khó hoặc không xuống được và dồn ứ ở thực quản làm thực quản giãn dần ra đồng thời kích thích nhu động thực quản tống phần thức ăn này ra để giảm áp lực trong thực quản làm bệnh nhân bị nôn. Giai đoạn đầu, khi thực quản còn giãn ít thì bệnh nhân thấy khó nuốt và nôn sau khi ăn. Ở giai đoạn sau, khi thực quản giãn rộng, thức ăn ứ đọng làm đầy thực quản thì nôn xảy ra muộn hơn nhưng khối lượng nhiều hơn.

– Ợ hơi, ợ chua, ho kéo dài … cũng rất thường gặp.

– Suy dinh dưỡng: Ở giai đoạn đầu, thức ăn vẫn xuống được dạ dày nên thường trong một thời gian dài, tình trạng bệnh nhân vẫn còn tốt. Về sau khi thức ăn ứ đọng ở thực quản nhiều, bệnh nhân chỉ tiêu hóa được rất ít hoặc không tiêu hóa được thức ăn dẫn tới bị suy dinh dưỡng.

– Các trường hợp hẹp thực quản do nguyên nhân ác tính thì có thể xuất hiện thêm 1 số triệu chứng của bệnh lý khối u gây nên (VD: thiếu máu…)

– Ở trẻ nhỏ có thể có thêm một số triệu chứng: Chảy quá nhiều nước bọt hoặc nước mũi trong mũi và miệng; ho; khóc không ra tiếng; khó thở sau khi khóc; da xanh khi cố gắng ăn…

2.2. Cận lâm sàng

– Chụp hoặc chiếu X-quang với thuốc cản quang.

         

Hình 2. Hình ảnh hẹp thực quản trên phim chụp X-quang thực quản có uống thuốc cản quang.

– Soi thực quản: có thể quan sát thấy chỗ hẹp, nhiều khi ống soi không thể đi qua đoạn hẹp xuống dạ dày, có thể phối hợp sinh thiết để phục vụ chẩn đoán

                    

Hình 3. Hình ảnh hẹp thực quản (hình trái) và ung thư thực quản (hình phải) qua nội soi.

– Đo áp lực thực quản.

– Trường hợp hẹp thực quản do nguyên nhân bẩm sinh (trẻ nhỏ):

+ Nếu bệnh được phát hiện ngay trong thai kỳ, cần tiếp tục theo dõi cho đến khi em bé được sinh ra. Trong trường hợp này, người mẹ nên đến sinh tại các trung tâm chuyên khoa có uy tín để có thể đảm bảo sẵn sàng can thiệp cho trẻ ngay từ khi sinh nếu có biến cố xảy ra.

+ Nếu sau khi sinh, trẻ được chẩn đoán xác định là hẹp thực quản, cần xem xét các yếu tố khác như: trẻ có được sinh đủ tháng không?  trọng lượng sinh? chức năng phổi? … Nếu xác định trẻ có đủ sức khỏe thì sẽ tiến hành phẫu thuật sửa chữa lại ống tiêu hóa.

2.3. Biến chứng

– Biến chứng tại chỗ:

+ Thức ăn đặc hoặc rắn có thể mắc lại ở đoạn thực quản bị hẹp, có thể gây nghẹt thở hoặc khó thở.

+ Do nôn và trào ngược thường xuyên làm tăng nguy cơ viêm phổi do hít phải thức ăn.

+ Bệnh nhân có thể bị tử vong đột ngột do phản xạ tim mạch hoặc ngạt thở do thức ăn trào ngược lọt vào khí quản gây tắc đường thở.

+ Rò thực quản – khí quản.

+ Ung thư hoá.

– Biến chứng toàn thân:

+ Suy dinh dưỡng do ăn kém hoặc không ăn được trong thời gian dài.

+ Tinh thần căng thẳng, buồn phiền, không muốn tiếp xúc với người khác, có trường hợp người bệnh còn bị trầm cảm.

3. Điều trị

3.1. Hẹp thực quản lành tính

Là những trường hợp bị hẹp thực quản mà nguyên nhân gây hẹp không phải là do ung thư. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây hẹp và mức độ nặng của bệnh mà có chiến lược điều trị khác nhau.

3.1.1. Điều trị không dùng thuốc

– Nong thực quản:

Nong thực quản giúp hạn chế, ngăn chặn quá trình hẹp tiếp diễn, giúp bệnh nhân có thể ăn mà không bị ứ đọng thức ăn ở thực quản. Nong thực quản thường là lựa chọn được ưu tiên trong hầu hết các trường hợp vì thủ thuật đơn giản, hiệu quả mà lại ít biến chứng. Tuy nhiên nó thường gây khó chịu và thủ thuật này cần được thực hiện nhiều lần để ngăn thực quản tái hẹp trở lại. Thường thì bệnh nhân sẽ được gây mê trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật.

– Đặt stent thực quản:

Đặt stent thực quản giúp ngăn chặn việc hẹp thực quản tiếp diễn. Sau khi thực quản đã được nong rộng ra bằng bóng, đặt vào đoạn thực quản bị hẹp một Stent làm bằng nhựa hoặc kim loại có cấu trúc dạng lưới, có thể mở rộng rồi cố định ở hình dạng đó, hình thành một cái giá đỡ vào thành thực quản, giữ cho thực quản được mở rộng để bệnh nhân có thể ăn uống.

Hình 4. Đặt stent thực quản.

– Chế độ sinh hoạt, ăn uống:

GERD được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhiều biến chứng của thực quản trong đó có hẹp thực quản. Do đó điều trị và dự phòng GERD luôn là việc cần thiết mà mọi bệnh nhân có bệnh lý dạ dày – thực quản cần thực hiện. Thói quen sinh hoạt và ăn uống lành mạnh có thể trợ giúp kiểm soát các triệu chứng của GERD, từ đó hạn chế diễn tiến của hẹp thực quản. Những việc cần làm bao gồm:

+ Nằm đầu cao bằng cách kê gối (xuống dưới vai) để phần đầu cao hơn so với mặt giường (khoảng 15 độ) có tác dụng ngăn axit dạ dày trào ngược lên thực quản.

+ Những người thừa cân béo phì thường dễ bị trào ngược hơn người có cân nặng bình thường, nên giảm cân sẽ giúp làm giảm nguy cơ bị trào ngược.

+ Chia nhỏ bữa ăn, ăn thành nhiều bữa, mỗi bữa không nên ăn no.

+ Không ăn gì trước khi đi ngủ 3 giờ.

+ Bỏ hút thuốc, không uống rượu.

+ Tránh các thực phẩm dễ gây trào ngược axit, ví dụ như: các thức ăn cay, các thực phẩm giàu chất béo, đồ uống có ga, socola,  cà phê và các sản phẩm chứa caffeine, thực phẩm có nguồn gốc từ cà chua, các loại hoa quả chua (cam, quýt…)

3.1.2. Điều trị bằng thuốc

Là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị, nhất là đối với các bệnh nhân bị trào ngược nặng.

– Các thuốc ức chế, giảm bài tiết acid ở dạ dày.

– Thuốc kháng acid: giúp trung hòa acid ở dạ dày, có tác dụng giảm bớt các triệu chứng của bệnh.

– Thuốc điều hòa co thắt của ống tiêu hóa.

Việc điều trị thuốc trong bệnh này thường kéo dài, có thể đến một vài tháng đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì và tuân thủ đúng chế độ điều trị.

3.1.3. Phẫu thuật

Vấn đề phẫu thuật sẽ được đặt ra nếu các biện pháp điều trị kể trên đã không còn hiệu quả nữa. Phẫu thuật sẽ giúp giải quyết các triệu chứng của hẹp thực quản triệt để hơn, tiên lượng tốt cho các bệnh nhân bị hẹp thực quản lành tính. Tuy nhiên bệnh vẫn có khả năng tái phát (khoảng 30% hẹp tái phát lại sau một năm). Phối hợp điều trị thuốc kiểm soát GERD giúp củng cố kết quả điều trị của phẫu thuật.

3.2. Hẹp thực quản do ung thư

Bệnh nhân cần được điều trị ở chuyên khoa Ung bướu, tùy theo giai đoạn có thể chọn các biện pháp: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích.

4. Phòng ngừa

– Áp dụng các biện pháp thay đổi lối sống để kiểm soát GERD và giảm thiểu nguy cơ tiến triển thành hẹp thực quản. Kiểm soát các triệu chứng của GERD có thể làm giảm đáng kể nguy cơ bị hẹp thực quản. Lựa chọn chế độ ăn uống, dùng thuốc (nếu có) và lối sống có thể giảm thiểu axit dạ dày trào ngược vào thực quản.

– Không để các hóa chất gây ăn mòn (acid, bazơ…) lọt vào thực quản. Bảo vệ trẻ nhỏ bằng cách giữ tất cả các hóa chất gia dụng ăn mòn ở trong nhà ở ngoài tầm với của trẻ.

– Không uống rượu vì rượu là một nguyên nhân gây ung thư thực quản.

– Khám bệnh đúng hẹn để theo dõi các triệu chứng bệnh.

– Ăn chậm nhai kỹ.

– Uống thuốc đúng và đủ theo chỉ định của bác sĩ.

– Tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh.

Hẹp thực quản là một căn bệnh khá nguy hiểm, gây ảnh hưởng không lớn tới chất lượng cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Để phòng tránh bệnh, cần có lối sống lành mạnh: tập thể dục thường xuyên, có chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt lành mạnh để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh.

BÌNH LUẬN

WORDPRESS: 0