You dont have javascript enabled! Please enable it! [SÁCH DỊCH] Sản phụ khoa Căn bản. Chương 14: Sức khỏe Tâm thần và Sinh đẻ - Y HỌC LÂM SÀNG
Trang chủSÁCH DỊCH TIẾNG VIỆTSản phụ khoa Căn bản

[SÁCH DỊCH] Sản phụ khoa Căn bản. Chương 14: Sức khỏe Tâm thần và Sinh đẻ

Phác đồ chẩn đoán và điều trị Sản giật
Hội chứng HELLP: Tổng quan lâm sàng
Sản giật: Bệnh sinh, chẩn đoán, điều trị

(SÁCH DỊCH) Sản Phụ khoa Căn bản – Essential Obstetrics and Gynaecology
Tác giả: Ian Symonds & Sabaratnam Arulkumaran – (C) NXB Elsevier
Ths.Bs. Lê Đình Sáng (Dịch và Chú giải)


Chương 14: Sức khỏe Tâm thần và Sinh đẻ
Mental health and childbirth
Jo Black
Essential Obstetrics and Gynaecology, Chapter 14, 222-229


MỤC TIÊU HỌC TẬP

Sau khi hoàn thành chương này, học viên có thể:

Kiến thức về các rối loạn tâm thần

  • Nhận diện được các loại rối loạn sức khỏe tâm thần có thể xảy ra trong giai đoạn chu sinh.
  • Hiểu rõ tầm quan trọng của việc khai thác tiền sử sức khỏe tâm thần, từ đó có hướng tiếp cận chủ động và phòng ngừa cho những phụ nữ có nguy cơ.
  • Xác định các triệu chứng của bệnh lý tâm thần trong giai đoạn chu sinh.
  • Hiểu và quản lý các nguy cơ trong giai đoạn chu sinh.
  • Hiểu rõ nguy cơ chẩn đoán nhầm lẫn do quy kết trong giai đoạn chu sinh.
  • Mô tả các nguyên tắc khi kê đơn thuốc trong giai đoạn chu sinh.
  • Thảo luận các vấn đề liên quan đến năng lực hành vi ở bệnh nhân tâm thần chu sinh.

Năng lực lâm sàng

  • Khai thác đầy đủ tiền sử sức khỏe tâm thần.
  • Xây dựng kế hoạch quản lý lâm sàng cho bệnh nhân có chẩn đoán sức khỏe tâm thần.
  • Đánh giá và quản lý sức khỏe thể chất cho bệnh nhân có chẩn đoán sức khỏe tâm thần.
  • Đánh giá, trao đổi và quản lý nguy cơ trong giai đoạn chu sinh.

Kỹ năng và thái độ chuyên nghiệp

  • Phát triển kỹ năng lắng nghe chủ động.
  • Nuôi dưỡng sự tìm tòi chuyên môn về sức khỏe tinh thần của mọi sản phụ và bà mẹ mới sinh.
  • Thấu hiểu những rào cản mà phụ nữ có rối loạn sức khỏe tâm thần có thể đối mặt trong hệ thống y tế.
  • Thể hiện vai trò tiên phong trong việc sử dụng ngôn ngữ, thái độ và cách ra quyết định một cách tôn trọng và hòa nhập khi chăm sóc những người có nguy cơ hoặc đang gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Kiến thức về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần bà mẹ là yêu cầu cốt lõi đối với mỗi bác sĩ sản khoa. Điều này đòi hỏi sự tổng hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực: sức khỏe tâm thần người lớn, sức khỏe tâm thần trẻ sơ sinh, dược lý tâm thần, phôi thai học, tâm lý học, nội tiết học, các khuôn khổ pháp lý y tế, và các vấn đề sức khỏe tâm thần đặc thù trong thai kỳ và giai đoạn hậu sản.

Chương này được biên soạn như một cẩm nang thực hành nhập môn, giúp hiểu rõ hơn về các vấn đề sức khỏe tâm thần thường gặp ở phụ nữ trong và sau thai kỳ. Vai trò của bác sĩ sản khoa bao gồm phòng ngừa, phát hiện, can thiệp sớm, đánh giá nguy cơ và cung cấp dịch vụ chăm sóc an toàn, dựa trên bằng chứng.

Các rối loạn sức khỏe tâm thần có thể gây suy giảm chức năng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả mẹ và con. Nếu không được điều trị, chúng là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh tật và là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong mẹ. Từ năm 2009 đến 2013, đã có 161 phụ nữ tử vong do các nguyên nhân liên quan đến sức khỏe tâm thần. Tỷ lệ này tương đương 3,7 ca tử vong trên 100.000 ca sinh tại Vương quốc Anh và Ireland trong giai đoạn này (KTC 95%: 3,2-4,4) (MBRACCE-UK).

Sức khỏe tâm thần kém của người mẹ làm tăng nguy cơ về sức khỏe cho trẻ trong giai đoạn sơ sinh và thời thơ ấu, bao gồm khả năng chậm phát triển ngôn ngữ hoặc thành tích học tập thấp hơn (Nghiên cứu dọc Avon về Cha mẹ và Trẻ sơ sinh).

Điều quan trọng cần nhận thức là các biện pháp cải thiện sức khỏe tâm thần cho người mẹ có thể trực tiếp nâng cao cơ hội phát triển cho thế hệ tương lai.

Nữ hộ sinh và bác sĩ sản khoa có một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ phụ nữ duy trì sức khỏe tâm thần ổn định suốt thai kỳ, đồng thời nhanh chóng phát hiện các vấn đề mới phát sinh để đảm bảo họ được tiếp cận với phương pháp điều trị phù hợp. Để thực hiện hiệu quả, cần có một cái nhìn toàn diện về nhu cầu của người bệnh, tôn trọng các thế mạnh, nguyện vọng, thái độ và nền tảng văn hóa của họ. Phụ nữ có tiền sử bệnh tâm thần sẽ có những quan điểm và mong muốn đa dạng trong các quyết định liên quan đến thai kỳ, sinh nở và giai đoạn hậu sản. Mọi phụ nữ, kể cả người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, đều cần được tiếp cận thông tin chính xác, dễ hiểu và đầy đủ để có thể cân nhắc các lựa chọn và đưa ra quyết định dựa trên sự thấu hiểu.

Không ai yêu cầu bác sĩ sản khoa hay nữ hộ sinh phải là một chuyên gia tâm thần học. Bạn không cần phải biết mọi chẩn đoán, mọi liệu pháp hay mọi phương pháp điều trị tâm thần. Bạn cũng không có nhiệm vụ chẩn đoán hay khởi đầu điều trị một rối loạn. Tuy nhiên, một bác sĩ sản khoa phải có khả năng khai thác đầy đủ tiền sử bệnh, đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần hiện tại, và đảm bảo người bệnh được tiếp cận thông tin chất lượng, được đánh giá chuyên sâu và điều trị nếu cần. Tùy thuộc vào hệ thống y tế nơi bạn làm việc, cần có sẵn các quy trình để phụ nữ có thể tiếp cận thông tin, tư vấn và điều trị chính xác. Chăm sóc ban đầu, các nguồn thông tin trực tuyến đáng tin cậy, các tổ chức phi lợi nhuận, nữ hộ sinh, điều dưỡng cộng đồng, và các dịch vụ tư vấn-trị liệu đều đóng vai trò quan trọng. Đối với những phụ nữ có vấn đề sức khỏe tâm thần phức tạp hoặc nghiêm trọng, việc được tiếp cận dịch vụ sức khỏe tâm thần chuyên khoa (lý tưởng nhất là dịch vụ sức khỏe tâm thần chu sinh) là điều được khuyến nghị.

Vai trò của bác sĩ sản khoa đối với bệnh tâm thần trong sản khoa

Tại phòng khám tiền sản hoặc trong lần tái khám sau sinh, có ba câu hỏi cụ thể cần được xem xét liên quan đến bệnh tâm thần:

  • Sản phụ có tiền sử bệnh tâm thần không?
  • Sản phụ có bất kỳ triệu chứng nào của một bệnh hay rối loạn tâm thần ở thời điểm hiện tại không?
  • Sản phụ có đang sử dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào cho một bệnh hay rối loạn tâm thần không?

Khai thác tiền sử sức khỏe tâm thần cơ bản

Như trong mọi chuyên ngành y khoa, vai trò của bạn là khai thác đầy đủ tiền sử và thực hiện các thăm khám cần thiết. Khai thác tiền sử sức khỏe tâm thần cơ bản là một năng lực bắt buộc của bác sĩ sản khoa (Hộp 14.1).

Để có một cuộc trao đổi hiệu quả về sức khỏe tâm thần với người bệnh, bạn nên tự vấn xem bản thân có thực sự thoải mái khi đề cập đến chủ đề này không. Hãy luôn sử dụng ngôn ngữ tôn trọng, đặt câu hỏi mở, chú ý đến các tín hiệu lời nói và phi lời nói, lắng nghe chủ động và dành đủ thời gian.

Năm 2017, Hiệp hội Sản phụ khoa Hoàng gia Anh đã mời phụ nữ chia sẻ trải nghiệm của họ. Các chủ đề đã được tổng hợp trong ấn phẩm Tiếng nói Phụ nữ 2017. Họ kết luận:

“Hệ thống hiện tại còn quá bị động, phụ thuộc vào việc phụ nữ phải tự mình lên tiếng và chia sẻ tình trạng của mình. Sự thiếu hiểu biết về các bệnh lý tâm thần chu sinh khiến cho các triệu chứng hoàn toàn bị bỏ sót nếu người bệnh không chủ động chia sẻ, làm xói mòn niềm tin của họ vào hệ thống. Một số phụ nữ cho biết họ có thể dễ dàng lảng tránh câu hỏi của nhân viên y tế và che giấu triệu chứng. Nhiều người ngần ngại nói về cảm xúc và tiền sử sức khỏe tâm thần của mình, trong khi các câu hỏi dạng “có/không” đơn thuần không khuyến khích một cuộc đối thoại cởi mở. Điều này dẫn đến việc chỉ những người tự tin và có khả năng lên tiếng mới nhận được sự chú ý, bỏ lại phía sau nhiều phụ nữ dễ bị tổn thương.

Nhiều phụ nữ đã nêu bật những thiếu sót từ phía nhân viên y tế, từ việc không được lắng nghe sau nhiều lần cầu cứu, đến việc được hứa hẹn giới thiệu chuyển tuyến nhưng không bao giờ nhận được sự hỗ trợ thực sự. Họ cảm thấy thất vọng vì những lo ngại của mình không được xem trọng, và nhiều người chỉ được giúp đỡ khi tìm được một nhân viên y tế sẵn lòng lắng nghe.

Rất nhiều người cho rằng họ không có đủ thời gian trong các buổi hẹn để thảo luận về sức khỏe tâm thần, hoặc các cuộc hẹn diễn ra quá vội vã. Nhiều người cảm nhận điều này là do hệ thống quá tải, chứ không phải do nhân viên y tế vô tâm. Nơi nào có các cuộc trao đổi về sức khỏe tâm thần, chúng thường thiếu tính cá nhân, không cởi mở, và giống như những thủ tục mang tính hình thức.”

Sức khỏe Tâm thần Bà mẹ – Tiếng nói Phụ nữ RCOG 2017

Khi bạn đã tạo điều kiện để người phụ nữ chia sẻ về tiền sử hoặc mối lo ngại tâm thần, điều quan trọng là cả hai bên phải thống nhất về việc thông tin đó sẽ được sử dụng như thế nào. Việc lập kế hoạch chắc chắn cần có sự tham gia của tất cả các chuyên gia chăm sóc cho cô ấy trong giai đoạn chu sinh.

Luôn xin phép người bệnh trước khi liên lạc với các chuyên gia y tế khác. Tại sao?

“Trong ít nhất 16 trên 57 phụ nữ có tiền sử bệnh tâm thần đã tử vong do tự tử, có bằng chứng cho thấy những khía cạnh quan trọng trong tiền sử tâm thần của họ đã không được trao đổi giữa tuyến chăm sóc ban đầu và các dịch vụ thai sản. Trong một số trường hợp, dịch vụ thai sản không hề được thông báo về tiền sử tâm thần của người bệnh, và đôi khi bác sĩ đa khoa cũng không biết rằng họ đã đăng ký chăm sóc thai sản.”

Cứu sống, Cải thiện Chăm sóc Bà mẹ 2015

Thực tế cho thấy, nhiều phụ nữ cho biết, chỉ vì họ có vẻ ngoài chỉn chu, ăn nói lưu loát, có việc làm và một mối quan hệ tốt, các chuyên gia y tế đã vội vàng cho rằng họ không thể có vấn đề về tâm thần. Chính vì giả định này, nhân viên y tế đã không hỏi han, từ đó bỏ lỡ cơ hội can thiệp.

! Tương tự, những phụ nữ khác từ nhiều nền tảng kinh tế-xã hội và văn hóa cũng cho biết họ cảm thấy bị áp đặt những giả định về sức khỏe tâm thần, khả năng hồi phục và mạng lưới hỗ trợ của mình mà không dựa trên bất kỳ bằng chứng nào.

Việc nhận thức về thiên kiến vô thức liên quan đến sức khỏe tâm thần là vô cùng quan trọng.

Thiên kiến vô thức xảy ra khi não bộ của chúng ta đưa ra những phán xét và đánh giá nhanh chóng về con người và tình huống. Những thiên kiến này bị ảnh hưởng bởi xuất thân, môi trường văn hóa và trải nghiệm cá nhân của chúng ta. Chúng ta có thể không nhận thức được những quan điểm này cũng như toàn bộ tác động của chúng.

Hộp 14.1 Khai thác tiền sử sức khỏe tâm thần cơ bản

Các câu hỏi gợi ý

  1. Trước đây chị đã từng gặp vấn đề nào về sức khỏe tâm thần chưa?
  2. Chị đã trải qua bao nhiêu đợt bệnh?
  3. (Đối với phụ nữ sinh con rạ) Sức khỏe tâm thần của chị trong và sau các lần mang thai trước đây như thế nào?
  4. Chị có thể chia sẻ thêm một chút về cảm giác của mình vào lúc tồi tệ nhất không?
  5. Chị có được chẩn đoán bệnh gì không? Cụ thể là gì ạ?
  6. Chị đã được điều trị bằng phương pháp nào?
  7. Phương pháp điều trị đó có hiệu quả không?
  8. Ngoài ra, còn điều gì khác giúp ích cho sức khỏe tâm thần của chị không?
  9. Chị có bao giờ phải nhập viện điều trị không? Đó là chị tự nguyện nhập viện hay theo quyết định của cơ quan y tế (ví dụ: bắt buộc chữa bệnh)?
  10. Có bao giờ chị cảm thấy cuộc sống này không còn đáng sống nữa không?
  11. Chị đã bao giờ có ý định hoặc cố gắng tự kết thúc cuộc sống của mình chưa? Chị có thể chia sẻ thêm về điều đó không?
  12. Hiện tại chị có đang dùng thuốc, tham gia trị liệu hay nhận hỗ trợ nào cho sức khỏe tâm thần không? Chị có thể mô tả cụ thể hơn không?
  13. Nếu chị đã từng dùng thuốc nhưng hiện tại đã ngưng, chị ngưng từ khi nào và tại sao?
  14. Trong gia đình chị có ai được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần nặng không?
  15. Chị có lo lắng về sức khỏe tâm thần của mình trong lần mang thai này hoặc sau khi sinh không?
  16. Hiện tại, sức khỏe tâm thần của chị như thế nào?
  17. Còn điều gì về sức khỏe tâm thần mà tôi chưa hỏi nhưng chị nghĩ là quan trọng và tôi nên biết không?

Xây dựng kế hoạch sức khỏe tâm thần

Phụ nữ có chẩn đoán sức khỏe tâm thần cần một kế hoạch chăm sóc riêng cho thai kỳ, cuộc sinh và giai đoạn hậu sản. Kế hoạch này phải tính đến tình trạng bệnh lý và các phương pháp điều trị (bao gồm cả thuốc) mà họ đang áp dụng.

Tình huống lâm sàng 1

Sarah, 24 tuổi, là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành vật lý thiên văn. Cô được chẩn đoán rối loạn cảm xúc lưỡng cực và đã đáp ứng tốt với lithium kể từ đợt cấp cuối cùng cách đây 2 năm.

Cô đã đột ngột ngưng lithium ngay khi phát hiện mình có thai. Đây là một thai kỳ ngoài kế hoạch.

Cô và bạn đời đều vui mừng đón nhận tin vui. Gia đình Sarah sống ở nước ngoài, trong khi gia đình bạn đời ở gần đó nhưng không biết gì về tiền sử bệnh của cô.

Tình huống lâm sàng 2

Thelma, 29 tuổi, nhân viên bán lẻ, đang mang thai con đầu lòng ở tam cá nguyệt thứ nhất. Chỉ số khối cơ thể (BMI) của cô ở mức thấp/bình thường và đã giảm trong 4 tuần qua. Cô có tiền sử chán ăn tâm thần, đã phải nhập viện điều trị nội trú hai lần. Cả hai lần đều là nhập viện không tự nguyện theo Đạo luật Sức khỏe Tâm thần và được nuôi ăn qua sonde dạ dày (NG). Bệnh của cô đã ổn định hơn một năm và thai kỳ này là có kế hoạch. Cô cảm thấy kinh hoàng khi ngực mình lớn dần và sợ hãi những thay đổi sắp tới của cơ thể. Cô thừa nhận đôi lúc muốn hạn chế lượng calo nạp vào.

Tình huống lâm sàng 3

Angela, 34 tuổi, là bác sĩ đa khoa tại địa phương và có quen biết một vài bác sĩ trong khoa sản. Angela từng có các đợt trầm cảm trong những năm thiếu niên và đầu tuổi đôi mươi. Ở tuần thai 28, cô tiết lộ rằng mình đang cảm thấy chán nản, hối hận vì mang thai và bực bội với đứa bé, vì cô cho rằng nó là nguyên nhân gây ra chứng đau lưng, hông và buồn nôn kéo dài. Cô mất ngủ và đôi khi cảm thấy quá sức chịu đựng. Cô yêu cầu bạn không chia sẻ thông tin này với bất kỳ ai và không ghi vào hồ sơ bệnh án.

Tình huống lâm sàng 4

Selma, 30 tuổi, mang thai 28 tuần và đây là lần khám thai đầu tiên. Cô được chẩn đoán tâm thần phân liệt và tái khám hàng tháng với một y tá tâm thần cộng đồng. Cô sống trong một khu nhà ở được hỗ trợ và đã nhiều lần nhập viện vì bệnh tâm thần. Cô cho biết hiện không dùng bất kỳ loại thuốc nào. Cô tỏ ra lơ đãng và dè dặt khi trả lời. Cô đặt một số câu hỏi và đưa ra những nhận xét mà bạn thấy kỳ lạ: “Làm sao bác sĩ biết đây là một em bé loài người?” và “Đứa bé này là người được chọn và sẽ bảo vệ tôi khỏi mọi đau đớn.”

Xây dựng kế hoạch sức khỏe tâm thần cho thai kỳ, sinh nở và giai đoạn hậu sản

Kế hoạch sức khỏe tâm thần là gì?

Đây là một kế hoạch chăm sóc phối hợp, được xây dựng cho một sản phụ có mối lo ngại hoặc tiền sử về sức khỏe tâm thần. Kế hoạch này bao quát nhu cầu của cả mẹ và thai nhi trong suốt thai kỳ, quá trình sinh nở và giai đoạn hậu sản. Nó xem xét các yếu tố bảo vệ, mạng lưới hỗ trợ, niềm tin văn hóa, tôn giáo và các lựa chọn cá nhân của người bệnh.

Kế hoạch này nhận diện các nguy cơ hoặc thách thức tiềm tàng liên quan đến sức khỏe tâm thần và cùng người bệnh xây dựng phương án để giảm thiểu chúng. Trong trường hợp xảy ra một đợt bệnh tâm thần cấp tính, kế hoạch cũng vạch ra phác đồ điều trị cụ thể.

Xây dựng một kế hoạch sức khỏe tâm thần

  • Một kế hoạch sức khỏe tâm thần toàn diện nên được hoàn thành trước tuần thứ 32 của thai kỳ.
  • Cần dành đủ thời gian để xây dựng một kế hoạch kỹ lưỡng.
  • Tất cả các chuyên gia y tế liên quan đến người mẹ và gia đình nên được mời tham gia đóng góp.
  • Kế hoạch cần bao gồm nhu cầu của người mẹ, trẻ sơ sinh và các thành viên khác trong gia đình.
  • Kế hoạch phải xác định các triệu chứng sức khỏe tâm thần hiện tại và các phương pháp điều trị/liệu pháp được khuyến nghị.
  • Kế hoạch phải mô tả các loại thuốc được sử dụng trong thai kỳ và các biện pháp theo dõi cần thiết cho mẹ và bé sau sinh liên quan đến việc dùng thuốc.
  • Kế hoạch cần đề ra các hành động và phân công trách nhiệm cụ thể nếu xảy ra khủng hoảng sức khỏe tâm thần.
  • Một bản sao của kế hoạch phải được đính kèm vào tất cả các bản sao hồ sơ của người mẹ.
  • Kế hoạch phải xác định các yếu tố nhằm ưu tiên cho việc củng cố mối quan hệ mẹ-con.
  • Kế hoạch sẽ nêu chi tiết cách nuôi dưỡng em bé và sớm xác định các thắc mắc hoặc lo ngại về việc cho con bú nếu người mẹ có dùng thuốc.

Các chẩn đoán sức khỏe tâm thần cụ thể trong thai kỳ và giai đoạn hậu sản

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một rối loạn cảm xúc nặng, đặc trưng bởi sự dao động khí sắc dữ dội (các giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm chủ yếu) và có xu hướng thuyên giảm rồi tái phát (theo ICD-10).

Tỷ lệ hiện mắc suốt đời của rối loạn này là khoảng 1% trong dân số trưởng thành.

Khi đến khám thai lần đầu, một phụ nữ bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực có thể hoàn toàn khỏe mạnh nếu đang trong giai đoạn thuyên giảm, điều này dễ dẫn đến giả định chủ quan rằng cô ấy không mắc bệnh tâm thần nặng. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra một đợt bệnh hậu sản là có thật, và việc bạn và cô ấy có thể thảo luận cởi mở về vấn đề này là cực kỳ quan trọng.

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một yếu tố nguy cơ và dự báo rất mạnh mẽ cho loạn thần hậu sản (xem phần sau). Nếu hệ thống y tế của bạn có dịch vụ tâm thần chu sinh, việc ưu tiên giới thiệu tất cả phụ nữ có chẩn đoán này đến dịch vụ đó là bắt buộc.

Phụ nữ mắc bệnh này có thể đang dùng thuốc ổn định khí sắc để duy trì tình trạng ổn định. Khi mang thai, họ rất có thể sẽ muốn cân nhắc về rủi ro và lợi ích của các lựa chọn thuốc. Lý tưởng nhất, việc này nên được thực hiện với sự phối hợp của một bác sĩ chuyên khoa tâm thần chu sinh và một dược sĩ lâm sàng. Việc ngừng đột ngột bất kỳ loại thuốc hướng thần nào đều không được khuyến khích (NICE CG192).

Loạn thần hậu sản (Loạn thần thời kỳ hậu sản)

Loạn thần hậu sản là tình trạng biểu hiện rầm rộ nhất và thường là nghiêm trọng nhất trong các bệnh lý hậu sản, xảy ra với tỷ lệ khoảng 2/1000 ca sinh ở phụ nữ mọi lứa tuổi, hoàn cảnh, văn hóa và quốc gia. Các yếu tố nguy cơ bao gồm: tiền sử gia đình mắc bệnh lưỡng cực; tiền sử gia đình bên ngoại có người bị loạn thần hậu sản; và bản thân có tiền sử các đợt bệnh lưỡng cực, rối loạn phân liệt cảm xúc hoặc loạn thần hậu sản.

Khoảng 50% phụ nữ có tiền sử bệnh lưỡng cực hoặc loạn thần hậu sản sẽ tái phát. Nguy cơ cao này đòi hỏi phải có sự đánh giá và theo dõi chặt chẽ trong thai kỳ, và can thiệp dự phòng sau sinh với sự đồng thuận của người bệnh.

Bệnh có các đặc điểm sau:

  • Khởi phát đột ngột trong những ngày đầu sau sinh, tình trạng xấu đi mỗi ngày.
  • Một nửa số ca sẽ biểu hiện trong tuần đầu tiên sau sinh, phần lớn trong vòng 2 tuần và gần như tất cả trong vòng 3 tháng.
  • Các triệu chứng rõ rệt bao gồm loạn thần, hoang tưởng, sợ hãi, bối rối, lú lẫn, kích động và đôi khi có ảo giác. Tình trạng kích động và rối loạn hành vi nghiêm trọng cũng có thể xuất hiện.

Trong những ngày đầu, bệnh cảnh lâm sàng thay đổi liên tục và thường được gọi là loạn thần cấp tính không biệt định. Về sau, bệnh cảnh sẽ định hình rõ hơn thành một bệnh lý lưỡng cực. Khoảng một phần ba số ca sẽ biểu hiện hưng cảm, số còn lại thường là giai đoạn hỗn hợp với một số triệu chứng hưng cảm nhưng nội dung tư duy chủ yếu là trầm cảm.

Quản lý

Việc nhập viện khẩn cấp vào một đơn vị nội trú mẹ và bé thường là cần thiết. Những bệnh nhân này không nên được nhập viện tại các khoa tâm thần người lớn thông thường. Họ cần được chăm sóc y tế và điều dưỡng chuyên biệt. Việc cho em bé nhập viện cùng mẹ không chỉ mang tính nhân đạo mà còn hỗ trợ quá trình điều trị của mẹ và đảm bảo mối quan hệ tốt đẹp giữa hai mẹ con.

Các bệnh lý này đáp ứng nhanh với điều trị. Thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc ổn định khí sắc có thể được sử dụng, và trong một số trường hợp là liệu pháp sốc điện (ECT). Tiên lượng phục hồi hoàn toàn là rất tốt.

Loạn thần hậu sản có thể là một tình trạng đe dọa tính mạng với nguy cơ tự tử và tổn thương do tai nạn từ hành vi rối loạn tăng cao. Sức khỏe thể chất cũng bị đe dọa do bệnh nhân không ăn uống, không tiếp cận chăm sóc y tế, và có thể tạm thời mất khả năng chăm sóc con.

Việc điều trị cần được duy trì một thời gian sau khi hồi phục vì nguy cơ tái phát trong những tuần đầu là rất cao, đặc biệt nếu bệnh nhân đã trải qua giai đoạn hưng cảm và có thể tái phát sang trạng thái trầm cảm.

Nguy cơ tái phát trong các lần mang thai sau này ít nhất là 1/2. Do đó, bệnh nhân cần được giới thiệu khám chuyên khoa sớm trong lần mang thai tiếp theo để xây dựng kế hoạch quản lý.

Trầm cảm trước và sau sinh

  • Khai thác tiền sử (xem phần trước) là yếu tố then chốt. Một phụ nữ bị trầm cảm nhẹ, tự giới hạn sẽ cần một kế hoạch thảo luận và quản lý khác với một người có các triệu chứng nặng, gây suy giảm chức năng và khó điều trị.
  • Những phụ nữ dùng thuốc chống trầm cảm để duy trì sức khỏe có thể đã được khuyên ngừng thuốc mà không cân nhắc đầy đủ về rủi ro và lợi ích. Việc duy trì trạng thái ổn định luôn tốt hơn là đối phó với một đợt tái phát.
  • Các liệu pháp tâm lý rất hiệu quả và có thể được áp dụng cho trầm cảm và lo âu trong thai kỳ nếu phụ nữ có triệu chứng và muốn tránh dùng thuốc.
  • Cần thận trọng để không quy kết nhầm các triệu chứng thể chất cho “vấn đề tâm thần” khi ghi nhận có tiền sử bệnh tâm thần.
  • Phụ nữ bị lo âu và trầm cảm có thể có các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, đánh trống ngực, buồn nôn hoặc chóng mặt. Đây có thể là biểu hiện của bệnh tâm thần hoặc triệu chứng của một bệnh lý thực thể. Việc khai thác tiền sử và thăm khám kỹ lưỡng là chìa khóa. Việc quy kết nhầm các triệu chứng cho “vấn đề tâm thần” đã được ghi nhận là một yếu tố góp phần gây tử vong mẹ (CEMACE), do đó, việc duy trì thái độ tìm tòi, cởi mở và kỹ lưỡng là vô cùng cần thiết.
  • Một đợt trầm cảm đáng kể trước hoặc sau sinh là một biến chứng nghiêm trọng của thai kỳ nhưng có thể điều trị được. Các triệu chứng trầm cảm có thể tương tự như ở các thời điểm khác. Tuy nhiên, nhân viên y tế thường có xu hướng xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của trầm cảm chu sinh và quy kết các triệu chứng cho sự mệt mỏi của việc làm mẹ. Đôi khi, phụ nữ có thể và đã thành công trong việc che giấu các triệu chứng của mình.
Các dấu hiệu “cờ đỏ” sau đây cảnh báo một bệnh lý nghiêm trọng ở người mẹ và cần được đánh giá tâm thần cấp cao khẩn cấp:

  • Thay đổi đáng kể gần đây trong trạng thái tâm thần hoặc xuất hiện các triệu chứng mới.
  • Xuất hiện ý nghĩ hoặc hành vi tự hủy hoại bản thân mang tính bạo lực.
  • Xuất hiện những biểu hiện mới và dai dẳng về việc cảm thấy mình là một người mẹ bất tài hoặc xa lánh con.

Luôn xem xét việc nhập viện vào đơn vị mẹ và bé khi người phụ nữ có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

  • Trạng thái tâm thần thay đổi nhanh chóng.
  • Ý tưởng tự tử (đặc biệt có tính chất bạo lực).
  • Cảm giác tội lỗi hoặc vô vọng lan tỏa.
  • Sự xa lánh đáng kể đối với trẻ sơ sinh.
  • Niềm tin về sự bất lực trong vai trò làm mẹ.
  • Bằng chứng của loạn thần.

Rối loạn ăn uống

Phụ nữ có tình trạng tương đối ổn định nhưng có tiền sử chán ăn tâm thần hoặc ăn ói tâm thần có thể đối mặt với những vấn đề đặc thù trong thai kỳ và giai đoạn hậu sản.

  • Ốm nghén có thể là một thách thức lớn hơn đối với phụ nữ có tiền sử ăn ói tâm thần.
  • Những thay đổi của cơ thể trong thai kỳ có thể rất khó chấp nhận.
  • Ngay cả những phụ nữ “khỏe mạnh” vẫn có thể đã hạn chế ăn uống đáng kể trước khi mang thai, và việc cố gắng “ăn uống lành mạnh” trong thai kỳ thường gây ra cảm giác rất khó chịu.
  • Việc người khác chú ý hoặc chạm vào cơ thể đang thay đổi của họ có thể gây ra đau khổ sâu sắc.
  • Hình ảnh cơ thể sau sinh có thể gây sốc và đau khổ cho người mẹ, và ngay cả khi thai kỳ diễn ra bình thường, một đợt bệnh hậu sản nghiêm trọng vẫn có thể xảy ra.

Phụ nữ có rối loạn ăn uống đang hoạt động phải đối mặt với các vấn đề cả về tâm lý và thể chất trong thai kỳ, nếu không được quản lý tích cực, sẽ gây ra những rủi ro đáng kể.

  • Chứng ăn ói tâm thần đang hoạt động có thể dẫn đến những bất thường sinh hóa máu nghiêm trọng, đặc biệt là hạ kali máu có ý nghĩa lâm sàng.
  • Tình trạng tăng đông là một mối lo ngại đối với những người hạn chế ăn uống, ăn ói, mệt mỏi toàn thân và giảm vận động.
  • Một số nghiên cứu đã tìm thấy mối liên quan giữa chán ăn tâm thần với cân nặng sơ sinh thấp hoặc sinh non, nhưng những phát hiện này không phải lúc nào cũng được tái lập.
  • Mối quan hệ giữa mẹ và thai nhi thường bị ảnh hưởng. Những bà mẹ có cảm xúc mâu thuẫn hoặc hối tiếc về việc mang thai sẽ có nhiều khả năng gặp khó khăn trong việc thiết lập một mối quan hệ nồng ấm với con mình.
  • Rất có khả năng các hành vi rối loạn ăn uống sẽ leo thang hơn nữa sau khi sinh.
  • Có khả năng những bà mẹ mắc chứng rối loạn ăn uống đang hoạt động đang che giấu mức độ nghiêm trọng của bệnh.
  • Cân nặng và chỉ số BMI của mẹ là những chỉ số có giá trị hạn chế trong việc đánh giá mức độ nghiêm trọng của rối loạn ăn uống trong thai kỳ, nhưng một chỉ số BMI không đổi hoặc giảm sút là một dấu hiệu đáng kể.

Rối loạn nhân cách ranh giới / Rối loạn nhân cách không ổn định về mặt cảm xúc

Đây là một chẩn đoán có thể gây ra sự lo ngại hoặc nhầm lẫn.

Một người có chẩn đoán rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) hoặc rối loạn nhân cách không ổn định về mặt cảm xúc (EUPD) thường đã trải qua một thời thơ ấu mà cảm xúc không được thấu hiểu và công nhận. Họ thường có tiền sử bị bỏ bê hoặc lạm dụng, bao gồm cả lạm dụng tình dục. Kết quả là, họ phải vật lộn với hàng loạt vết sẹo tâm lý có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau.

Phụ nữ bị EUPD có thể gặp khó khăn trong việc hình thành và duy trì các mối quan hệ, đặc biệt là trong những tình huống không chắc chắn hoặc có bất đồng. Họ cực kỳ nhạy cảm với các mối đe dọa và thường phản ứng mạnh khi cảm nhận được chúng. Họ thường trải qua những cảm xúc cực đoan, thay đổi nhanh chóng và khó lường. Đôi khi, họ có thể cảm thấy vô vọng, giận dữ hoặc tuyệt vọng tột độ. Để đối phó với những cảm xúc quá lớn này, họ có thể có những hành vi gây hại cho bản thân (tự hại, bao gồm quá liều, cắt rạch, ăn ói, lạm dụng chất kích thích hoặc rượu) hoặc cho người khác (xung đột giữa các cá nhân, gây hấn, phụ thuộc, các vấn đề trong mối quan hệ).

Nhân viên y tế có thể cảm thấy thực sự bị thách thức khi phải cung cấp sự chăm sóc tôn trọng và nhất quán cho những người bị rối loạn nhân cách. Tuyệt đối không được sử dụng ngôn ngữ hạ thấp, đùa cợt, xúc phạm hoặc kẻ cả đối với hoặc về bất kỳ ai có vấn đề sức khỏe tâm thần. Ví dụ như dùng các thuật ngữ như “ca này PD”, “thao túng”, “bất hợp lý”, “phiền phức”, “vô ơn”, “một cơn ác mộng” khi trao đổi với đồng nghiệp. Bạn có trách nhiệm làm gương và nhận thức rằng tất cả những thách thức này đều là hệ quả của những chấn thương trong quá khứ.

Hãy thử hình dung, nếu cô ấy là một nạn nhân của lạm dụng, đặc biệt là lạm dụng tình dục thời thơ ấu, thì việc khám âm đạo, việc phải nằm bất động, trải qua cơn đau ngoài tầm kiểm soát, bị người khác chạm vào và cảm thấy bất lực đều có thể là những trải nghiệm cực kỳ đau thương và tái kích hoạt chấn thương.

Rất có thể cô ấy đang cố gắng tránh các chiến lược đối phó cũ như dùng thuốc quá liều, uống rượu say sưa hoặc tự cắt rạch trong thai kỳ vì lợi ích của con mình. Nhưng chính việc tránh né này có thể khiến nỗi đau cảm xúc của cô ấy càng trở nên dữ dội hơn.

Cô ấy có thể đang phải vật lộn để tưởng tượng làm thế nào mình có thể làm mẹ và giữ an toàn cho con giữa một thế giới đầy thù địch. Nếu bản thân cô ấy không được nuôi dạy một cách tử tế và đầy đủ, cô ấy có thể sợ hãi rằng mình thiếu kỹ năng làm cha mẹ. Hoặc cô ấy có thể lo sợ rằng người khác sẽ thấy cô ấy bất tài và sẽ mang con cô ấy đi ngay sau khi sinh.

Từ những phân tích trên, chúng ta có thể bắt đầu hiểu tại sao việc mang thai và sinh nở sắp tới có thể khiến một người mẹ bị rối loạn nhân cách cảm thấy cực kỳ lo lắng, cảnh giác và phòng thủ, và do đó bị hệ thống y tế dán nhãn là “thách thức” hoặc “khó tính”.

Người mẹ này cần sự chăm sóc tử tế, trung thực, tôn trọng và chủ động. Cô ấy cần hiểu rằng bạn và đội ngũ của bạn là những người chuyên nghiệp, nhân văn và hành nghề dựa trên y học bằng chứng. Cô ấy cần biết rằng, giống như bất kỳ phụ nữ nào khác, khi có đủ năng lực hành vi, cô ấy có quyền chấp nhận hoặc từ chối các xét nghiệm, thăm khám và can thiệp. Mọi lo ngại về sức khỏe tâm thần của cô ấy hoặc về sự an toàn của em bé cần được thảo luận một cách cởi mở và trung thực.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) được đặc trưng bởi sự hiện diện của các ý nghĩ ám ảnh hoặc hành vi cưỡng chế, nhưng thường là cả hai. Các triệu chứng này có thể gây ra suy giảm chức năng đáng kể và/hoặc đau khổ. Ám ảnh được định nghĩa là một ý nghĩ, hình ảnh hoặc sự thôi thúc xâm nhập không mong muốn, lặp đi lặp lại trong tâm trí người bệnh. Cưỡng chế là những hành vi hoặc hoạt động tâm thần lặp đi lặp lại mà người bệnh cảm thấy bị thúc ép phải thực hiện. Một hành vi cưỡng chế có thể là công khai và người khác quan sát được (ví dụ: kiểm tra cửa đã khóa), hoặc là một hành vi tâm thần kín đáo không thể quan sát được (ví dụ: lặp lại một cụm từ trong đầu). Ước tính có khoảng 1-2% dân số mắc OCD, một số nghiên cứu cho rằng con số này có thể là 2-3%.

OCD chu sinh có thể đặc biệt phức tạp. Một người mẹ có những ý nghĩ hoặc hình ảnh xâm nhập tái diễn liên quan đến con mình có thể cảm thấy kinh hoàng đến mức không dám tìm kiếm sự giúp đỡ và phải âm thầm chịu đựng. Một số nghi thức có thể chiếm rất nhiều thời gian, và cả ý nghĩ ám ảnh lẫn hành vi cưỡng chế đều có thể cản trở nghiêm trọng khả năng của người mẹ trong việc thực hiện các công việc chăm sóc em bé hàng ngày.

Liệu pháp tâm lý và dược lý đều có hiệu quả trong điều trị OCD và cần được ưu tiên, vì khả năng mẹ và bé cảm thấy thoải mái và tận hưởng thời gian bên nhau là rất quan trọng cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Điều trị càng sớm càng tốt sẽ giúp giảm thiểu tác động của bệnh tâm thần của mẹ lên trẻ sơ sinh.

Rối loạn căng thẳng sau sang chấn

Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) thường bị bỏ sót trong thai kỳ hoặc bị chẩn đoán nhầm thành rối loạn lo âu lan tỏa, cơn hoảng loạn hoặc trầm cảm.

Các triệu chứng của PTSD bao gồm các đoạn hồi tưởng đột ngột (flashbacks), ác mộng, trạng thái tăng cảnh giác và các triệu chứng cơ thể của sự lo âu tột độ.

PTSD có thể góp phần gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng trong giai đoạn chu sinh.

Các nhóm nguy cơ cao bao gồm người xin tị nạn, người tị nạn, quân nhân và những người vừa trải qua sang chấn, chẳng hạn như những người liên quan đến thảm họa Grenfell hoặc vụ đánh bom ở Manchester. Cần luôn lưu ý đến các cộng đồng dân cư trong khu vực phục vụ của bạn và bất kỳ nhóm đặc thù nào cần quan tâm.

PTSD cũng xảy ra ở những người không thuộc các nhóm nguy cơ cao này, do đó cần có nhận thức rộng hơn về tiền sử sang chấn, bao gồm cả sang chấn từ các cuộc sinh trước.

Liệu pháp tâm lý có hiệu quả và nên được ưu tiên cho phụ nữ mang thai và sau sinh.

Đối với phụ nữ có thai bị PTSD rõ rệt, một kế hoạch sinh nở cẩn thận có thể giúp thiết kế một môi trường chăm sóc trong khi sinh đặc thù, nhằm giảm thiểu các yếu tố có thể kích hoạt hoặc gây đau khổ. Phụ nữ đã trải qua sang chấn từ cuộc sinh trước có thể đối mặt với những thách thức rất riêng trong các lần mang thai tiếp theo. Việc quay trở lại phòng sinh, với cùng một ánh sáng, tiếng ồn và mùi hương có thể rất khó khăn và cần được cân nhắc kỹ lưỡng từ trước. Những phụ nữ đã từng khiếu nại về chất lượng chăm sóc trước đây có thể lo sợ bị đối xử không công bằng và cần được các nhân viên cấp cao trấn an rằng điều đó sẽ không xảy ra.

Nguyên tắc kê đơn thuốc hướng thần trong thai kỳ

Việc đưa ra lời khuyên cụ thể về thuốc trong một cuốn sách giáo khoa là rất khó khăn. Cơ sở bằng chứng liên tục phát triển, và việc sử dụng tài liệu này nhiều năm sau khi xuất bản có thể khiến người đọc tiếp cận thông tin đã lỗi thời hoặc bị thay thế bởi các nghiên cứu và hướng dẫn mới hơn.

Việc kê đơn thuốc hướng thần trong thai kỳ tuân theo các nguyên tắc được nêu trong Hộp 14.2.

Hộp 14.2 Nguyên tắc kê đơn thuốc hướng thần trong thai kỳ

  1. Sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả với số lượng thuốc tối thiểu.
  2. Nếu có thể, ưu tiên sử dụng loại thuốc đã từng có hiệu quả tốt trong quá khứ.
  3. Không ngừng thuốc đột ngột khi phát hiện có thai.
  4. Phụ nữ cần được trao đổi kịp thời về rủi ro và lợi ích với bác sĩ kê đơn hoặc dược sĩ.
  5. Vấn đề cho con bú cần được thảo luận khi cân nhắc việc dùng thuốc cho bất kỳ phụ nữ mang thai nào.
  6. Liều thuốc có thể cần được điều chỉnh tăng trong thai kỳ do sự gia tăng thể tích tuần hoàn của mẹ.
  7. Cân nhắc các biện pháp theo dõi cần thiết cho cả mẹ và trẻ sơ sinh trong các giai đoạn trước sinh, chu sinh và sau sinh nếu có sử dụng thuốc hướng thần.

Là một bác sĩ lâm sàng và người kê đơn, việc truy cập thông tin cập nhật để đảm bảo kiến thức và tư vấn của bạn luôn chính xác là rất quan trọng. Dịch vụ Thông tin Quái thai học Vương quốc Anh (UKTIS) và Hướng dẫn Chu sinh của Hiệp hội Dược lý Tâm thần Anh năm 2017 là những nguồn tham khảo hữu ích.

Lưu ý đặc biệt về Natri Valproate

! Các loại thuốc chứa valproate được sử dụng trong thai kỳ có thể gây dị tật ở 11% trẻ sơ sinh và gây rối loạn phát triển ở 30-40% trẻ em sau sinh.

Không được sử dụng valproate cho trẻ em gái và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, bao gồm cả trẻ em gái chưa đến tuổi dậy thì, trừ khi các phương pháp điều trị thay thế không phù hợp và các điều kiện của chương trình phòng ngừa mang thai được tuân thủ nghiêm ngặt. Tuyệt đối không sử dụng valproate cho phụ nữ mang thai. Xem thêm bộ công cụ của MHRA để đảm bảo bệnh nhân nữ được thông tin đầy đủ về những rủi ro khi dùng valproate trong thai kỳ (NICE CG192 2014).

Năng lực hành vi và sức khỏe tâm thần

Phụ nữ có quyền đưa ra quyết định về việc chăm sóc và điều trị cho bản thân nếu họ có đủ năng lực hành vi để làm điều đó. Đánh giá năng lực hành vi là một kỹ năng cốt lõi mà mọi nhân viên y tế lâm sàng phải có, và phải ghi chép chính xác vào hồ sơ y tế để chứng thực rằng năng lực đã được xem xét và đánh giá.

Phải luôn giả định rằng phụ nữ mắc bệnh tâm thần vẫn có đủ năng lực hành vi, ngay cả khi đang có triệu chứng. Việc đánh giá năng lực một cách kỹ lưỡng cho từng quyết định cụ thể là điều cần thiết. Ngay cả những phụ nữ đang bị giám sát theo Đạo luật Sức khỏe Tâm thần với các triệu chứng loạn thần vẫn phải được giả định là có đủ năng lực để đưa ra quyết định về việc điều trị y tế của họ.

Nếu đã xác định rằng một bệnh tâm thần đã làm ảnh hưởng đến năng lực hành vi (xem ví dụ dưới đây), bạn nên tham vấn đội ngũ pháp lý của bệnh viện để xem xét sự cần thiết của việc xin ý kiến của tòa án trước khi tiến hành can thiệp.

Tình huống lâm sàng

Mary, 44 tuổi, được chẩn đoán tâm thần phân liệt thể hoang tưởng. Bà tin rằng mình không mang thai, và bụng to lên là do bị ung thư sau khi bị Cơ quan Mật vụ làm thí nghiệm. Bà đang mang thai 35 tuần và bị cao huyết áp, nhưng lại cho rằng thuốc hạ áp là thuốc độc, nên không ai chắc chắn bà có tuân thủ điều trị hay không. Bà thừa nhận gần đây thường xuyên bị đau đầu và bạn ghi nhận có phù mắt cá chân.

Vì Mary không tin mình đang mang thai, bà từ chối mọi cuộc thảo luận về cử động của thai nhi. Bạn tin rằng bà có nguy cơ tiền sản giật nặng hơn và muốn cho bà nhập viện để đánh giá và điều trị. Bà từ chối.

Hãy xem xét các bước cần thực hiện tiếp theo. Bạn cần thêm những thông tin gì? Những ai khác cần được tham gia vào quá trình này?

 

TÓM TẮT Ý CHÍNH

Sức khỏe tâm thần của mẹ cũng quan trọng như sức khỏe thể chất. Việc phát hiện sớm và phòng ngừa các vấn đề sức khỏe tâm thần luôn được ưu tiên hơn là điều trị. Để tư vấn và hỗ trợ một phụ nữ có nguy cơ duy trì sức khỏe tốt trong thai kỳ đòi hỏi thời gian, chuyên môn, sự kiên nhẫn, tìm tòi và lòng nhân ái. Các vấn đề sức khỏe tâm thần hoàn toàn có thể điều trị hiệu quả, và tất cả chúng ta nên hướng đến sự phục hồi hoàn toàn cho những người bệnh mà chúng ta chăm sóc.

Các vấn đề sức khỏe tâm thần chu sinh ảnh hưởng đến phụ nữ từ mọi tầng lớp xã hội, mọi nền tảng kinh tế-xã hội và mọi chủng tộc. Chúng rất phổ biến, và ở phổ bệnh nặng, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ. Các phương pháp điều trị rất hiệu quả và khả năng phục hồi là hoàn toàn có thể. Lý tưởng nhất, đối với những người có vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, việc điều trị nên được điều phối bởi các đội ngũ sức khỏe tâm thần chu sinh, có thể tại cộng đồng nếu phù hợp, nhưng khi có nguy cơ được xác định trong giai đoạn cấp tính, cần tìm cách nhập viện vào một đơn vị mẹ và bé.

  • Tử vong liên quan đến bệnh tâm thần vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ.
  • Một tiền sử bệnh tâm thần đáng kể là yếu tố dự báo đáng tin cậy nhất cho bệnh tâm thần nghiêm trọng trong giai đoạn chu sinh.
  • Bác sĩ sản khoa và nữ hộ sinh có một vị thế đặc biệt để giúp phụ nữ chia sẻ tiền sử của họ mà không sợ bị phán xét, sốc, phản ứng thái quá hay từ chối.
  • Việc khai thác tiền sử bệnh tâm thần cũng quan trọng như khai thác tiền sử bệnh tim, tiểu đường hay động kinh trong giai đoạn chu sinh.
  • Bệnh tâm thần có thể điều trị được trong giai đoạn chu sinh.
  • Truyền đi niềm hy vọng cho những người đang gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần là một phần của thực hành lâm sàng tốt.

Bảng chú giải thuật ngữ Y học Anh-Việt

STT

Thuật ngữ tiếng Anh

Phiên âm IPA

Nghĩa Tiếng Việt

1Mental health/ˈmɛntəl hɛlθ/Sức khỏe tâm thần
2Childbirth/ˈʧaɪldˌbɜrθ/Sinh đẻ, cuộc sinh
3Mental disorders/ˈmɛntəl dɪˈsɔrdərz/Rối loạn tâm thần
4Perinatal period/ˌpɛrɪˈneɪtəl ˈpɪəriəd/Giai đoạn chu sinh
5Identification/aɪˌdɛntəfɪˈkeɪʃən/Sự xác định, nhận dạng
6Proactive/proʊˈæktɪv/Chủ động
7Preventative/prɪˈvɛntətɪv/Phòng ngừa
8Symptoms/ˈsɪmptəmz/Triệu chứng
9Mental illness/ˈmɛntəl ˈɪlnəs/Bệnh tâm thần
10Manage risk/ˈmænɪʤ rɪsk/Quản lý nguy cơ
11Misattribution/ˌmɪsəˌtrɪˈbjuːʃən/Sự quy kết sai lầm, quy kết nhầm lẫn
12Prescribing/prɪˈskraɪbɪŋ/Kê đơn
13Capacity issues/kəˈpæsəti ˈɪʃuːz/Các vấn đề về năng lực (hành vi)
14Clinical competencies/ˈklɪnɪkəl ˈkɑmpətənsiz/Năng lực lâm sàng
15Mental health history/ˈmɛntəl hɛlθ ˈhɪstəri/Tiền sử sức khỏe tâm thần
16Clinical management plan/ˈklɪnɪkəl ˈmænɪʤmənt plæn/Kế hoạch quản lý lâm sàng
17Diagnosis/ˌdaɪəɡˈnoʊsɪs/Chẩn đoán
18Physical health/ˈfɪzɪkəl hɛlθ/Sức khỏe thể chất
19Professional skills/prəˈfɛʃənəl skɪlz/Kỹ năng chuyên nghiệp
20Active listening skills/ˈæktɪv ˈlɪsənɪŋ skɪlz/Kỹ năng lắng nghe chủ động
21Professional curiosity/prəˈfɛʃənəl ˌkjʊəriˈɑsəti/Sự tìm tòi chuyên môn
22Mental wellbeing/ˈmɛntəl wɛlˈbiːɪŋ/Sức khỏe tinh thần
23Expectant mothers/ɪkˈspɛktənt ˈmʌðərz/Sản phụ, bà mẹ mang thai
24New mothers/nuː ˈmʌðərz/Bà mẹ mới sinh
25Barriers/ˈbæriərz/Rào cản
26Health care/hɛlθ kɛr/Chăm sóc sức khỏe
27Respectful/rɪˈspɛktfəl/Tôn trọng
28Inclusive/ɪnˈkluːsɪv/Hòa nhập
29Decision-making/dɪˈsɪʒənˌmeɪkɪŋ/Ra quyết định
30Maternal mental health/məˈtɜrnəl ˈmɛntəl hɛlθ/Sức khỏe tâm thần bà mẹ
31Core knowledge/kɔr ˈnɑləʤ/Kiến thức cốt lõi
32Obstetrician/ˌɑbstəˈtrɪʃən/Bác sĩ sản khoa
33Infant mental health/ˈɪnfənt ˈmɛntəl hɛlθ/Sức khỏe tâm thần trẻ sơ sinh
34Psychopharmacology/ˌsaɪkoʊˌfɑrməˈkɑləʤi/Dược lý tâm thần
35Embryology/ˌɛmbriˈɑləʤi/Phôi thai học
36Psychology/saɪˈkɑləʤi/Tâm lý học
37Endocrinology/ˌɛndoʊkrəˈnɑləʤi/Nội tiết học
38Medicolegal frameworks/ˌmɛdɪkoʊˈliːɡəl ˈfreɪmwɜrks/Khuôn khổ pháp lý y tế
39Postnatal-specific/poʊstˈneɪtəl spəˈsɪfɪk/Đặc thù sau sinh
40Practical introductory guide/ˈpræktɪkəl ˌɪntrəˈdʌktəri ɡaɪd/Cẩm nang thực hành nhập môn
41Common mental health problems/ˈkɑmən ˈmɛntəl hɛlθ ˈprɑbləmz/Các vấn đề sức khỏe tâm thần thường gặp
42Prevention/prɪˈvɛnʃən/Phòng ngừa
43Detection/dɪˈtɛkʃən/Phát hiện
44Early intervention/ˈɜrli ˌɪntərˈvɛnʃən/Can thiệp sớm
45Assessing risk/əˈsɛsɪŋ rɪsk/Đánh giá nguy cơ
46Evidence-based care/ˈɛvədəns-beɪst kɛr/Chăm sóc dựa trên bằng chứng
47Debilitating/dɪˈbɪlɪˌteɪtɪŋ/Gây suy nhược, làm suy giảm chức năng
48Untreated/ʌnˈtriːtɪd/Không được điều trị
49Morbidity/mɔrˈbɪdəti/Bệnh tật
50Leading causes of maternal deaths/ˈliːdɪŋ ˈkɔːzɪz əv məˈtɜrnəl dɛθs/Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ
51Maternities/məˈtɜrnətiz/Ca sinh
52Infancy/ˈɪnfənsi/Giai đoạn sơ sinh
53Childhood/ˈʧaɪldˌhʊd/Thời thơ ấu
54Speech and language delay/spiːʧ ænd ˈlæŋɡwɪʤ dɪˈleɪ/Chậm phát triển ngôn ngữ
55Educational attainment/ˌɛʤəˈkeɪʃənəl əˈteɪnmənt/Thành tích học tập
56Midwives/ˈmɪdˌwaɪvz/Nữ hộ sinh
57Emerging mental health issues/ɪˈmɜrʤɪŋ ˈmɛntəl hɛlθ ˈɪʃuːz/Các vấn đề sức khỏe tâm thần mới phát sinh
58Appropriate treatment/əˈproʊpriət ˈtriːtmənt/Điều trị phù hợp
59Holistic view/hoʊˈlɪstɪk vjuː/Cái nhìn toàn diện
60Strengths/strɛŋθs/Thế mạnh
61Preferences/ˈprɛfərənsɪz/Nguyện vọng, sở thích
62Attitudes/ˈætɪˌtuːdz/Thái độ
63Cultural heritage/ˈkʌlʧərəl ˈhɛrətəʤ/Nền tảng văn hóa
64Informed decisions/ɪnˈfɔrmd dɪˈsɪʒənz/Quyết định dựa trên sự thấu hiểu
65Mental health expert/ˈmɛntəl hɛlθ ˈɛkspɜrt/Chuyên gia sức khỏe tâm thần
66Initiate treatment/ɪˈnɪʃiˌeɪt ˈtriːtmənt/Khởi đầu điều trị
67Primary care/ˈpraɪˌmɛri kɛr/Chăm sóc ban đầu
68Online resources/ˈɔnˌlaɪn ˈrisɔrsɪz/Nguồn thông tin trực tuyến
69Voluntary sector/ˈvɑlənˌtɛri ˈsɛktər/Khu vực phi lợi nhuận, tình nguyện
70Health visitors/hɛlθ ˈvɪzətərz/Điều dưỡng cộng đồng
71Counselling/ˈkaʊnsəlɪŋ/Tư vấn
72Therapy services/ˈθɛrəpi ˈsɜrvəsɪz/Dịch vụ trị liệu
73Specialist mental health service/ˈspɛʃəlɪst ˈmɛntəl hɛlθ ˈsɜrvɪs/Dịch vụ sức khỏe tâm thần chuyên khoa
74Perinatal mental health service/ˌpɛrɪˈneɪtəl ˈmɛntəl hɛlθ ˈsɜrvɪs/Dịch vụ sức khỏe tâm thần chu sinh
75Antenatal clinic/ˌæntiˈneɪtəl ˈklɪnɪk/Phòng khám tiền sản
76Postnatal review/poʊstˈneɪtəl rɪˈvjuː/Tái khám sau sinh
77Open questioning/ˈoʊpən ˈkwɛsʧənɪŋ/Câu hỏi mở
78Verbal and non-verbal cues/ˈvɜrbəl ænd nɑn-ˈvɜrbəl kjuːz/Tín hiệu lời nói và phi lời nói
79Disclose/dɪˈskloʊz/Tiết lộ, chia sẻ
80Shared understanding/ʃɛrd ˌʌndərˈstændɪŋ/Sự thấu hiểu chung, thống nhất
81Liaise/liˈeɪz/Liên lạc, phối hợp
82Prior history/ˈpraɪər ˈhɪstəri/Tiền sử (trước đó)
83Suicide/ˈsuəˌsaɪd/Tự tử
84Psychiatric history/ˌsaɪkiˈætrɪk ˈhɪstəri/Tiền sử tâm thần
85Maternity services/məˈtɜrnəti ˈsɜrvəsɪz/Dịch vụ thai sản
86General practitioner (GP)/ˈʤɛnərəl prækˈtɪʃənər/Bác sĩ đa khoa
87Articulate/ɑrˈtɪkjulət/Ăn nói lưu loát
88Well groomed/wɛl ɡruːmd/Vẻ ngoài chỉn chu
89Committed relationship/kəˈmɪtəd riˈleɪʃənˌʃɪp/Mối quan hệ gắn bó
90Assumptions/əˈsʌmpʃənz/Giả định, mặc định
91Socioeconomic backgrounds/ˌsoʊsioʊˌɛkəˈnɑmɪk ˈbækˌɡraʊndz/Nền tảng kinh tế-xã hội
92Resilience/rɪˈzɪljəns/Khả năng hồi phục, sức bật
93Support network/səˈpɔrt ˈnɛtˌwɜrk/Mạng lưới hỗ trợ
94Unconscious bias/ʌnˈkɑnʃəs ˈbaɪəs/Thiên kiến vô thức
95Mental health plan/ˈmɛntəl hɛlθ plæn/Kế hoạch sức khỏe tâm thần
96Established mental health diagnoses/ɪˈstæblɪʃt ˈmɛntəl hɛlθ ˌdaɪəɡˈnoʊsiːz/Chẩn đoán sức khỏe tâm thần đã xác định
97PhD student/piː eɪʧ diː ˈstuːdənt/Nghiên cứu sinh tiến sĩ
98Astrophysics/ˌæstroʊˈfɪzɪks/Vật lý thiên văn
99Bipolar affective disorder/baɪˈpoʊlər əˈfɛktɪv dɪˈsɔrdər/Rối loạn cảm xúc lưỡng cực
100Lithium/ˈlɪθiəm/Lithium
101Acute episode/əˈkjuːt ˈɛpəˌsoʊd/Đợt cấp, giai đoạn cấp tính
102Abruptly/əˈbrʌptli/Đột ngột
103Unplanned pregnancy/ʌnˈplænd ˈprɛɡnənsi/Mang thai ngoài ý muốn
104Body mass index (BMI)/ˈbɑdi mæs ˈɪnˌdɛks/Chỉ số khối cơ thể
105Anorexia nervosa/ˌænəˈrɛksiə nɜrˈvoʊsə/Chán ăn tâm thần
106Inpatient spells/ˈɪnˌpeɪʃənt spɛlz/Đợt điều trị nội trú
107Involuntary admission/ɪnˈvɑlənˌtɛri ədˈmɪʃən/Nhập viện không tự nguyện
108Nasogastric (NG) feeding/ˌneɪzoʊˈɡæstrɪk ˈfiːdɪŋ/Nuôi ăn qua sonde dạ dày
109Restrict calories/rɪˈstrɪkt ˈkæləriz/Hạn chế calo
110Depression/dɪˈprɛʃən/Trầm cảm
111Low in mood/loʊ ɪn muːd/Khí sắc trầm, tâm trạng sa sút
112Resentful/rɪˈzɛntfəl/Bực bội, oán giận
113Nausea/ˈnɔziə/Buồn nôn
114Clinical record/ˈklɪnɪkəl ˈrɛkərd/Hồ sơ bệnh án
115Antenatal contact/ˌæntiˈneɪtəl ˈkɑnˌtækt/Lần khám thai
116Schizophrenia/ˌskɪtsəˈfriːniə/Tâm thần phân liệt
117Community psychiatric nurse/kəˈmjunəti ˌsaɪkiˈætrɪk nɜrs/Y tá tâm thần cộng đồng
118Supported accommodation/səˈpɔrtəd əˌkɑməˈdeɪʃən/Nhà ở được hỗ trợ
119Guarded responses/ˈɡɑrdəd rɪˈspɑnsɪz/Phản ứng dè dặt, phòng thủ
120Joined-up care/ʤɔɪnd-ʌp kɛr/Chăm sóc phối hợp, chăm sóc tích hợp
121Unborn baby/ʌnˈbɔrn ˈbeɪbi/Thai nhi
122Protective factors/prəˈtɛktɪv ˈfæktərz/Yếu tố bảo vệ
123Mental health crisis/ˈmɛntəl hɛlθ ˈkraɪsɪs/Khủng hoảng sức khỏe tâm thần
124Breast-feeding/brɛst-ˈfiːdɪŋ/Cho con bú
125Major affective disorder/ˈmeɪʤər əˈfɛktɪv dɪˈsɔrdər/Rối loạn cảm xúc nặng
126Manic episode/ˈmænɪk ˈɛpəˌsoʊd/Giai đoạn hưng cảm
127Major depressive episode/ˈmeɪʤər dɪˈprɛsɪv ˈɛpəˌsoʊd/Giai đoạn trầm cảm chủ yếu
128Remission/rɪˈmɪʃən/Thuyên giảm
129Recurrence/rɪˈkɜrəns/Tái phát
130Lifetime prevalence/ˈlaɪfˌtaɪm ˈprɛvələns/Tỷ lệ hiện mắc suốt đời
131Postnatal episode/poʊstˈneɪtəl ˈɛpəˌsoʊd/Đợt bệnh hậu sản
132Postpartum psychosis/poʊstˈpɑrtəm saɪˈkoʊsɪs/Loạn thần hậu sản
133Mood stabilizers/muːd ˈsteɪbəˌlaɪzərz/Thuốc ổn định khí sắc
134Psychotropic medication/ˌsaɪkoʊˈtroʊpɪk ˌmɛdɪˈkeɪʃən/Thuốc hướng thần
135Sudden discontinuation/ˈsʌdən ˌdɪskənˌtɪnjuˈeɪʃən/Ngừng thuốc đột ngột
136Puerperal psychosis/pjuˈɜrpərəl saɪˈkoʊsɪs/Loạn thần thời kỳ hậu sản
137Florid/ˈflɔrɪd/Rầm rộ, biểu hiện đầy đủ
138Family history/ˈfæməli ˈhɪstəri/Tiền sử gia đình
139Schizo-affective disorder/ˈskɪzoʊ-əˈfɛktɪv dɪˈsɔrdər/Rối loạn phân liệt cảm xúc
140Prophylactic intervention/ˌproʊfəˈlæktɪk ˌɪntərˈvɛnʃən/Can thiệp dự phòng
141Sudden onset/ˈsʌdən ˈɔnˌsɛt/Khởi phát đột ngột
142Delusions/dɪˈluʒənz/Hoang tưởng
143Perplexity/pərˈplɛksəti/Bối rối, ngơ ngác
144Confusion/kənˈfjuʒən/Lú lẫn
145Agitation/ˌæʤɪˈteɪʃən/Kích động
146Hallucinations/həˌlusəˈneɪʃənz/Ảo giác
147Acute undifferentiated psychosis/əˈkjuːt ʌnˌdɪfəˈrɛnʃieɪtɪd saɪˈkoʊsɪs/Loạn thần cấp tính không biệt định
148Mixed episode/mɪkst ˈɛpəˌsoʊd/Giai đoạn hỗn hợp
149Urgent admission/ˈɜrʤənt ədˈmɪʃən/Nhập viện khẩn cấp
150Mother and baby unit/ˈmʌðər ænd ˈbeɪbi ˈjuːnɪt/Đơn vị (nội trú) mẹ và bé
151Humane/hjuˈmeɪn/Nhân đạo, nhân văn
152Antipsychotics/ˌæntaɪsaɪˈkɑtɪks/Thuốc chống loạn thần
153Antidepressants/ˌæntidɪˈprɛsənts/Thuốc chống trầm cảm
154Electroconvulsive therapy (ECT)/ɪˌlɛktroʊkənˈvʌlsɪv ˈθɛrəpi/Liệu pháp sốc điện
155Prognosis/prɑɡˈnoʊsɪs/Tiên lượng
156Life-threatening condition/laɪf-ˈθrɛtənɪŋ kənˈdɪʃən/Tình trạng đe dọa tính mạng
157Accidental harm/ˌæksəˈdɛntəl hɑrm/Tổn thương do tai nạn
158Relapse/ˈriːˌlæps/Tái phát
159Depressive state/dɪˈprɛsɪv steɪt/Trạng thái trầm cảm
160Self-limiting depression/sɛlf-ˈlɪmɪtɪŋ dɪˈprɛʃən/Trầm cảm tự giới hạn
161Debilitating symptoms/dɪˈbɪlɪˌteɪtɪŋ ˈsɪmptəmz/Triệu chứng gây suy giảm chức năng
162Psychological therapies/ˌsaɪkəˈlɑʤɪkəl ˈθɛrəpiz/Các liệu pháp tâm lý
163Fatigue/fəˈtiɡ/Mệt mỏi
164Palpitations/ˌpælpɪˈteɪʃənz/Đánh trống ngực
165Dizziness/ˈdɪzinəs/Chóng mặt
166Red flag signs/rɛd flæɡ saɪnz/Dấu hiệu cờ đỏ
167Violent self-harm/ˈvaɪələnt sɛlf-hɑrm/Tự hủy hoại bản thân mang tính bạo lực
168Incompetency/ɪnˈkɑmpətənsi/Sự bất tài, cảm giác kém cỏi
169Estrangement/ɪˈstreɪnʤmənt/Sự xa lánh
170Suicidal ideation/ˌsuəˈsaɪdəl ˌaɪdiˈeɪʃən/Ý tưởng tự tử
171Pervasive guilt/pərˈveɪsɪv ɡɪlt/Cảm giác tội lỗi lan tỏa
172Hopelessness/ˈhoʊpləsnəs/Vô vọng
173Inadequacy/ɪnˈædɪkwəsi/Sự kém cỏi, bất lực
174Eating disorders/ˈiːtɪŋ dɪˈsɔrdərz/Rối loạn ăn uống
175Bulimia nervosa/buːˈliːmiə nɜrˈvoʊsə/Ăn ói tâm thần
176Morning sickness/ˈmɔrnɪŋ ˈsɪknəs/Ốm nghén
177Bodily changes/ˈbɑdɪli ˈʧeɪnʤɪz/Thay đổi cơ thể
178Blood biochemistry/blʌd ˌbaɪoʊˈkɛmɪstri/Sinh hóa máu
179Hypokalaemia/ˌhaɪpoʊkəˈliːmiə/Hạ kali máu
180Hypercoagulability/ˌhaɪpərkoʊˌæɡjələˈbɪlɪti/Tình trạng tăng đông
181Binge-purging/bɪnʤ-ˈpɜrʤɪŋ/Ăn ói (vô độ-thanh tẩy)
182General malaise/ˈʤɛnərəl məˈleɪz/Mệt mỏi toàn thân
183Reduced mobility/rɪˈdjuːst moʊˈbɪlɪti/Giảm vận động
184Low birth weight/loʊ bɜrθ weɪt/Cân nặng sơ sinh thấp
185Prematurity/ˌpriːməˈtjʊərəti/Sinh non
186Ambivalent emotions/æmˈbɪvələnt ɪˈmoʊʃənz/Cảm xúc mâu thuẫn
187Borderline personality disorder (BPD)/ˈbɔrdərˌlaɪn ˌpɜrsəˈnælɪti dɪˈsɔrdər/Rối loạn nhân cách ranh giới
188Emotionally unstable personality disorder (EUPD)/ɪˈmoʊʃənəli ʌnˈsteɪbəl ˌpɜrsəˈnælɪti dɪˈsɔrdər/Rối loạn nhân cách không ổn định về mặt cảm xúc
189Neglect/nɪˈɡlɛkt/Bỏ bê
190Abuse/əˈbjuːs/Lạm dụng
191Sexual abuse/ˈsɛkʃuəl əˈbjuːs/Lạm dụng tình dục
192Interpersonal conflict/ˌɪntərˈpɜrsənəl ˈkɑnflɪkt/Xung đột giữa các cá nhân
193Aggression/əˈɡrɛʃən/Gây hấn, hung tính
194Dependency/dɪˈpɛndənsi/Sự phụ thuộc
195Obsessive-compulsive disorder (OCD)/əbˈsɛsɪv-kəmˈpʌlsɪv dɪˈsɔrdər/Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
196Intrusive thought/ɪnˈtruːsɪv θɔt/Ý nghĩ xâm nhập
197Compulsions/kəmˈpʌlʃənz/Hành vi cưỡng chế
198Post-traumatic stress disorder (PTSD)/poʊst-trɔˈmætɪk strɛs dɪˈsɔrdər/Rối loạn căng thẳng sau sang chấn
199Flashbacks/ˈflæʃˌbæks/Hồi tưởng đột ngột
200Hypervigilance/ˌhaɪpərˈvɪʤələns/Tăng cảnh giác